CôngThương - Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương đã phổ biến Thông tư số 22/2011/TT-BCT; Thông tư 25/2011/TT-BCT về xây dựng, thẩm định, hệ thống hóa VBQPPL đồng thời chỉ ra khó khăn trong thực thi và đưa ra những biện pháp xử lý.
Theo Thông tư số 22/2011/TT-BCT, đối với chương trình xây dựng VBQPPL của Bộ Công Thương, trước khi đăng ký vào chương trình, các đơn vị dự kiến đăng ký phải tiến hành rà soát chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan để làm rõ cơ sở pháp lý và sự phù hợp với chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Rà soát những văn bản liên quan đã ban hành, các cam kết trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch trở thành thành viên để tránh sự chồng chéo và xác định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, thảo luận, thống kê đánh giá tình hình thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và sự cần thiết ban hành văn bản, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đánh giá tác động sơ bộ.
Các đơn vị có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Bộ về tài liệu đã được chuẩn bị theo quy định và gửi Vụ Pháp chế để phục vụ công tác thẩm tra các đề nghị xây dựng văn bản. Lập đề nghị xây dựng VBQPPL gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng theo thời hạn: Trước ngày 31 tháng 1 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội đối với đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho nhiệm kỳ Quốc hội đó; trước ngày 15 tháng 10 hàng năm đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cho năm sau…
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể gửi kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định bằng văn bản đến Vụ Pháp chế hoặc thông qua trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (). Vụ Pháp chế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xem xét, tổng hợp các kiến nghị này để báo cáo Bộ trưởng. Vụ Pháp chế có trách nhiệm đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ thuyết minh về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định và báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản trong thời gian ít nhất 20 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý
Về hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL. Đối với nghị định của Chính phủ, hồ sơ đề nghị xây dựng bao gồm: thuyết minh về đề nghị xây dựng nghị định quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh phải nêu rõ căn cứ pháp lý, sự cần thiết ban hành văn bản, chính sách cơ bản, nội dung chính của văn bản; danh mục nghị định đề nghị đưa vào Chương trình, bao gồm tên văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo, thời gian dự kiến trình Chính phủ. Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, hồ sơ đề nghị xây dựng là bản thuyết minh cần nêu rõ tên văn bản; sự cần thiết ban hành văn bản, căn cứ pháp lý ban hành văn bản; các vấn đề cần giải quyết; dự kiến nội dung chính của văn bản; tên đơn vị chủ trì soạn thảo; thời gian.
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Ngọc - Trưởng phòng Tổng hợp, tuyên truyền và hỗ trợ pháp lý, Vụ Pháp chế thì vẫn còn không ít khó khăn trong việc xây dựng VBQPPL. Đó là những hạn chế về nguồn nhân lực, tài chính cũng như sức ép về mặt tiến độ xây dựng. Đặc biệt, khung pháp lý chồng chéo; xây dựng những vấn đề mới, chưa có tiền lệ cũng là những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến quá trình xây dựng VBQPPL. Do đó, ông Ngọc cũng đưa ra những giải pháp làm đảm bảo tiến độ: tập trung, thu hút các nguồn lực từ khâu nghiên cứu; đẩy mạnh các hoạt động rà soát, hệ thống hóa, tạo cơ sở dữ liệu. Mời đúng, đủ các đơn vị có kinh nghiệm, thẩm quyền tham gia xây dựng VBQPPL như: đơn vị thẩm định; đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính… Tranh thủ sự ủng hộ của các chuyên gia về kinh nghiệm, ủng hộ tài chính của các tổ chức xã hội, quốc tế.
Một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng là hiện nay, nhiều VBQPPL cũng gặp lỗi về: tên văn bản, tên cơ quan ban hành (Thông tư số 14/2011/TT-BCT); lỗi căn cứ pháp lý, hình thức văn bản (Thông báo 197/TB-BCT của Bộ Công Thương về nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động)…
Trước thực tế trên, sự ra đời của Thông tư 25/2011/TT-BCT quy định công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành VBQPPL trong lĩnh vực Công Thương là hết sức cần thiết. Ông Phạm Đình Thưởng – Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Vụ Pháp chế - cho biết, mục đích của thông tư là phát hiện những nội dung trái pháp luật, nội dung không còn phù hợp của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn thực hiện hoặc đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công thương. Kiến nghị cấp có thẩm quyền xác định trách nhiệm của đơn vị và cá nhân đã ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật để có biện pháp xử lý; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, huỷ bỏ các quy định không còn phù hợp hoặc ban hành các quy định mới để điều chỉnh.
Trách nhiệm kiểm tra, xử lý thuộc Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Sau khi kiểm tra, có thể đình chỉ thi hành hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản. Đối với VBQPPL lỗi ít thì có thể đính chính văn bản.