Tại sao cần điều chỉnh tăng mức lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 8 nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp |
Góp ý dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, theo Bộ Tài chính việc điều chỉnh tăng thêm 20,8% trên mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tuất hàng tháng của tháng 6/2023 cho đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 1/1/1995 (từ ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội) là phù hợp, do đối tượng này chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nêu rõ, tại Điều 3 Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 quy định chỉ thực hiện điều chỉnh tăng thêm 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ có hơn 190.000 người thuộc nhóm này, ngân sách dự kiến chi khoảng 168 tỷ đồng trong năm 2023. Trong đó, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tăng bình quân từ 836.000 đồng/tháng lên hơn 1 triệu đồng/tháng; trợ cấp tuất hàng tháng bình quân tăng từ 698.000 đồng/tháng lên hơn 844.000 đồng/tháng.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung, làm rõ cơ sở pháp lý đề xuất việc điều chỉnh tăng thêm 20,8% đối với đối tượng nêu trên trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, theo dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Nghị định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến kinh phí tăng thêm khi thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng là 14.917 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước là khoảng 3.200 tỷ đồng, nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 11.747 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi rà soát, Bộ Tài chính dự kiến kinh phí tăng thêm khi thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng là 12.658 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước là khoảng 2.983 tỷ đồng, nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 9.675 tỷ đồng.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát lại kinh phí tăng thêm khi điều chỉnh lương hưu để bổ sung vào Tờ trình Chính phủ và hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động.
Tại dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất 8 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội năm 2023, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7 tới đây.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, về cơ bản đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định kế thừa quy định của Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định bổ sung, điều chỉnh một số đối tượng so với Nghị định 108/2021/NĐ-CP, cụ thể: Điều chỉnh đối tượng là người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 01/01/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có lương hưu, trợ cấp dưới 3.000.000 đồng/tháng (điều chỉnh tăng từ 2.500.000 đồng/tháng lên thành 3.000.000 đồng/tháng).