Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại trụ sở Liên minh châu Âu. (Ảnh: Vietnam+)
EU hiện là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, một trọng tâm để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư là đàm phán và sớm đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Trong chuyến thăm Bỉ và Liên minh châu Âu tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ba-rô-sô đã thống nhất các định hướng lớn để kết thúc đàm phán EVFTA. Thực hiện các định hướng này, hai bên đã đẩy nhanh đàm phán ở cả cấp Bộ trưởng và đoàn đàm phán. Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU kể từ tháng 10/2014 về Hiệp định EVFTA. Với nỗ lực của cả hai phía, đàm phán trong tất cả các lĩnh vực đã đạt tiến triển rất tích cực. Đến nay, phần lớn nội dung đàm phán đã được thống nhất, chỉ còn lại một vài vấn đề quan trọng cần thảo luận thêm để đạt thỏa thuận cuối cùng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và bà Cecilia Malmstrom đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán, đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng, đem lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp hai bên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU. Với mục tiêu này, hai bên đã thảo luận hướng xử lý các nội dung còn tồn tại trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công (mua sắm của Chính phủ) và sở hữu trí tuệ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đề nghị EU quan tâm và có cam kết tạo thuận lợi tối đa cho các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, giày dép, nông sản và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Phía Việt Nam cũng khẳng định sẽ đưa ra các cam kết mạnh mẽ về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp EU tại Việt Nam.
Với thiện chí và quyết tâm từ cả hai phía, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và bà Cecilia Malmstrom đã thống nhất hai bên sẽ nỗ lực hết sức để tham vấn nội bộ đồng thời đề ra các bước đi cụ thể để kết thúc cơ bản đàm phán trong thời gian sớm nhất theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo hai bên.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, đã có 23/28 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam với 1.566 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 19,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện khí nước; thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản; khai khoáng.