Dự án được hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) được khởi công vào cuối tháng 6/2018. Dự án là cụm Nhà máy Điện Mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại, với tổng mức đầu tư khoảng 9,1 nghìn tỷ đồng, được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, diện tích 504 ha.
Cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2 |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Công Thương, Tỉnh Tây Ninh và của chủ đầu tư để sớm đưa cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng đi vào hoạt động; khai thác hiệu quả vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, giúp giải quyết công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách của địa phương, tham gia tích cực trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính – tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng bức xạ mặt trời khá tốt đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam, các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Dầu tiếng |
Để có thể khai thác nguồn tiềm năng thiên nhiên vô tận này, góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, khuyến khích, thúc đẩy phát triển lĩnh vực điện mặt trời, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Quyết định số 11 đã tạo động lực phát triển tốt thị trường đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả thị trường mới và còn non trẻ với các cam kết về giá bán điện cố định, dài hạn 20 năm. Các nhà đầu tư đã tích cực trong công tác đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời để đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 và để hưởng cơ chế ưu đãi tại Quyết định 11, trong đó có dự án Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ |
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, cụm Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng khi đi vào vận hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cung ứng một nguồn điện xanh cho phát triển kinh tế không chỉ đối với tỉnh Tây Ninh mà còn cho cả Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Đáng chú ý, cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng được xây dựng trên phần đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, là điển hình tốt cho việc sử dụng, chuyển đổi đất có hiệu quả kinh tế thấp để xây dựng nhà máy điện mặt trời góp phần cung cấp nguồn điện sạch cho đất nước.
Theo đó, Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của địa phương trong việc thực hiện dự án, biến khó khăn thành động lực hoàn thành đúng tiến độ đặt ra, đóng góp vào sự thành công của việc xây dựng nền năng lượng sạch bền vững.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với các đối tác đầu tư trong và ngoài nước |
Thời gian tới, “Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan có trách nhiệm trong việc truyền tải điện phối hợp chính xác với nhà đầu tư, địa phương để đảm bảo an toàn, sự ổn định của hệ thống, khai thác tối đa hiệu suất của dự án. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách cơ chế để phát triển đầu tư tư nhân, vai trò của đầu tư tư nhân trong sự phát triển không chỉ ngành điện mà của cả nền kinh tế” – Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan hữu quan chuyên môn để phát huy hiệu quả, tối đa hiệu suất khai thác của dự án đóng góp vào nguồn cung của ngành điện trong nước, đồng thời đảm bảo yếu tố kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường. Đối với địa phương, Đảng bộ chính quyền Tây Ninh sẽ tiếp tục cụ thể hóa những chỉ đạo của Trung ương, tạo điều kiện không chỉ nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng mà cả những dự án trong tương lai.
Cụm Nhà máy DT1 và DT2 đi vào hoạt động sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688 triệu kWh mỗi năm. Ước tính, bằng khoảng mức tiêu thụ điện hàng năm của gần 320.000 hộ gia đình Việt Nam. |