Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ từng băn khoăn của cử tri và đại biểu Quốc hội
Tin hoạt động 01/11/2017 16:06
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đăng đàn làm rõ từng vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm |
Trong hai ngày (31/10 và 1/11), Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch năm 2018. Trong rất nhiều vấn đề “nóng” thì nổi lên là lĩnh vực Công Thương… Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn làm rõ từng vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Công Thương – lĩnh vực quản lý đa ngành – song, mỗi đại biểu, nhóm đại biểu lại quan tâm đến từng phân ngành riêng biệt. “Tỏa nhiệt” nhiều nhất là ý kiến về 12 dự án thua lỗ thuộc lĩnh vực Công Thương. Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) thẳng thắn đánh giá, vẫn chưa tập trung đồng bộ, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ dù Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo.
Vấn đề kế tiếp, cũng “nóng” không kém được các đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Hồ Văn Năm (Đồng Nai)… nêu và yêu cầu Chính phủ, Bộ Công Thương giải trình là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu và phân bón giả.
Từ những cuộc “vi hành” của mình, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương ghi nhận, việc vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai vào những thời điểm nhất định trong ngày tại các địa phương như: An Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh),… và "có trưng bày hay không trưng bày, nhưng muốn mua thuốc lá gì cũng có".
Lấy vụ việc Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buốn bán phân bón giả nhưng chưa được xử lý, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) khẳng định, đây là vấn đề bức xúc của cử tri, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là ảnh hưởng đến công sức lao động của người dân bỏ ra khi sử dụng hàng gian, hàng giả, đặc biệt là phân bón giả.
Bên cạnh đó, lo lắng trước sự phát triển chậm với công nghệ, thiết bị lạc hậu của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong khi khối doanh nghiệp FDI đang lấn át thị phần nhưng tỷ lệ chuyển giao công nghệ và nội địa hóa chưa cao, các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu vấn đề: “Thử nhìn lại chính sách mà nhà nước ưu đãi đặc thù cho FDI bao gồm cho phép chuyển lỗ, miễn đánh thuế ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư” – đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn; đại biểu Phùng Đức Tiến bổ sung: “Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, với mức công nghệ còn lạc hậu so với các nước tiên tiến từ 2 đến 3 thế hệ, tốc độ đổi mới công nghệ chỉ đạt 10,68%/năm”.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, mà cụ thể là Bộ trưởng Công Thương làm rõ thêm một số khó khăn, hạn chế trong công tác phát triển thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản; việc đầu tư hệ thống điện nông thôn...
Trước yêu cầu làm rõ từng vấn đề còn nhiều băn khoăn của đại biểu quốc hội và cử tri, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn "giải" từng vấn đề cụ thể.
Về 12 dự án tồn đọng và đang cần xử lý, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nội dung rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. “Để giải quyết tồn đọng của các dự án này, đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhà nước và nguồn lực của nhà nước, trong năm 2016 và 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thành lập những Ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện, kết hợp với kiểm tra cụ thể trên các dự án để tìm ra được nguyên nhân của những tồn tại, bất cập và hướng giải quyết” - Bộ trưởng nói và cho biết kết quả xử lý: Đến nay, có 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục sản xuất và đang từng bước tiếp cận thị trường; 3 dự án về xăng sinh học đang tái vận hành và năm 2018 sẽ hoạt động thương mại; các dự án: gang thép Thái Nguyên, thép Việt Trung cũng đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước.
"Bộ Chính trị đã thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là trong năm 2017 hoàn tất toàn bộ những việc chuẩn bị, năm 2018 sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để”- Bộ trưởng báo cáo.
Liên quan đến công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người đứng đầu ngành Công Thương thừa nhận vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng Bộ trưởng cho rằng, khách quan đánh giá, công tác này thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 104 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 550 tỷ đồng, tịch thu lượng hàng hóa vi phạm với giá trị gần 400 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, kiểm tra trên 131.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 73.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 415 tỷ đồng. Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu đổi mới để tập trung triển khai theo hướng kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm vào các mặt hàng, lĩnh vực và địa bàn trọng điểm.
Riêng mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước triển khai nhiều phương án, kế hoạch và phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; chú trọng kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các điểm kinh doanh thuốc lá, các dịch vụ có kinh doanh thuốc lá như nhà hàng, quán ăn uống, bar, vũ trường…, nhằm phát hiện, xóa các tụ điểm tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
“9 tháng năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 6.567 lượt, phát hiện xử lý 3.630 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 16 tỷ đồng; tịch thu thu giữ 1.448.209 bao thuốc lá các loại, chuyển cho cơ quan điều tra 40 vụ, thu giữ 17 xe ô tô, 321 xe máy, 13 phương tiện khác” – Bộ trưởng cho biết.
Cùng với giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ở góc độ địa phương, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) khẳng định, tình hình buôn lậu ở biên giới, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá ở Long An đúng là có "nóng", nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, sự quyết tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương nên đến thời điểm này đã được xử lý. “Đây là minh chứng cho sự quyết liệt, trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, kết hợp với biên phòng và người dân” – đại biểu Phan Thị Mỹ Dung khẳng định thêm.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) dẫn số liệu ngay tại địa phương, từ sự chỉ đạo rất quyết liệt và các lực lượng chức năng tổ chức phối hợp thường xuyên, 10 tháng năm 2017, số lượng vi phạm đã giảm 30%, giá trị hàng hóa bắt giữ tang vật tăng 44,5% so với cùng kỳ. Tang vật bị khởi tố trên 9 tỷ đồng, tăng 83,6% so với cùng kỳ; thu gom, tiêu hủy 783.707 gói thuốc lá…
Về mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đầu tháng 3/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Triển khai thực hiện, đến hết tháng 9, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 2.537 vụ, xử lý 1.091 vụ; tịch thu, tiêu huỷ tang vật trị giá gần 208 triệu đồng, 2.241 kg, 7.128 bao, 40 chai và 161 gói phân bón các loại; tịch thu, tiêu hủy 48.236 kg thuốc bảo vệ thực vật.
Làm rõ băn khoăn của các đại biểu về vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy gắn kết theo chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận: “Ở đây có vai trò của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công Thương trong việc tạo ra cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để thúc đẩy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị này”. Bộ trưởng lấy ví dụ, Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình đào tạo về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tiềm năng cho Samsung.
Với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ Công Thương cũng đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình phối hợp tương tự để từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối thị trường và trở thành các nhà cung cấp linh kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong công tác phát triển thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, thời gian qua, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương - với vai trò là Thường trực Đoàn Đàm phán của Chính phủ - đã nỗ lực, kiên trì thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng "sân chơi" cho hàng hóa của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã ký và đưa vào thực hiện tổng số 10 FTA. Các FTAs đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu hàng hóa của ta nói chung và đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản.
Vấn đề điện nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, qua rà soát kiểm tra, có 48 địa phương đã tham gia vào chương trình cung cấp điện lưới cho vùng nông thôn, miền núi và hải đảo xa xôi, khó khăn với số lượng khoảng 11 đảo, 189 xã và một số thôn bản với quy mô khoảng hơn 1 triệu hộ dân. “Để hoàn thành mục tiêu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch đảm bảo đến năm 2020 sẽ cung cấp 100% điện lưới cho các hộ nông dân ở vùng khó khăn” - Bộ trưởng báo cáo thêm.
TIN LIÊN QUAN | |