Tại hội nghị này, các nội dung hợp tác trên 3 trụ cột: Chính trị an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội sẽ được báo cáo tới các Nhà Lãnh đạo ASEAN và thông qua các văn kiện quan trọng. Riêng về trụ cột kinh tế, ASEAN đã ghi nhận tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả khối đặt 2,55 nghìn tỷ USD năm 2016, tăng trưởng 4,5% mặc dù bối cảnh toàn cầu có nhiều diễn tiến phức tạp và nhiều thách thức. Mức tăng trưởng này được kỳ vọng đạt 4,6% năm 2017 nhờ sự tăng trưởng ổn định của tiêu dùng và đầu tư tư nhân cũng như chính sách tài khóa mở rộng. Thương mại hàng hóa của ASEAN đạt 1,06 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2016, trong đó 24,19% là thương mại nội khối. ASEAN đã thu hút được 54,07 tỷ USD dòng vốn FDI trong nửa đầu năm 2016 trong đó 21,26% là vốn đầu tư nội khối. ASEAN đã cam kết sẽ thực thi hiệu quả Kế hoạch Tổng thể AEC 2025, với việc thông qua Kế hoạch Hành động Chiến lược AEC 2025 là bản tham chiếu các dòng hành động then chốt từ các kế hoạch làm việc chuyên ngành trong AEC đến năm 2025. Các nước cũng đang nỗ lực để vận hành Khuôn khổ Giám sát và đánh giá AEC 2025 với sự hỗ trợ của Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS), tạo cơ sở thể chế hóa và thực thi cơ chế giám sát, đánh giá Kế hoạch Tổng thể AEC 2025.
Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn chuyển đổi với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, ASEAN cũng cần phải chuẩn bị tốt để sẵn sàng tối đa hóa các cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực, phát triển kinh tế cân bằng và toàn diện. Với chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2017 mà Phi-lip-pin đưa ra đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN là “Tăng trưởng toàn diện và dựa vào đổi mới”, các nước ASEAN sẽ thực hiện ba biện pháp chiến lược bao gồm tăng thương mại và đầu tư, đưa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) hội nhập vào nền kinh tế số, phát triển một nền kinh tế dựa vào đổi mới.
ASEAN cũng đã đạt được một số kết quả trong thực thi các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm cắt giảm chi phí và thời gian giao dịch của doanh nghiệp trong khu vực. Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có hiệu lực từ ngày 22/2/2017 đã tạo động lực mới cho ASEAN trong việc tăng cường cơ chế thuận lợi hóa thương mại của khối phù hợp với thông lệ quốc tế. Các Nhà Lãnh đạo khuyến khích ASEAN tiếp tục tăng cường đối thoại công tư, thúc đẩy sự minh bạch của các biện pháp phi thuế quan, đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục hải quan, quản lý thương mại, giảm các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, đồng thời đảm bảo chất lượng và độ tin cậy về các sản phẩm của ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thu hẹp lần thứ 23 diễn ra vào tháng 3 mới đây đã đặt mục tiêu giảm 10% chi phí giao dịch thương mại vào năm 2020. Hiện thực hóa kịp thời mục tiêu nào sẽ kích thích mục tiêu xây dựng nền kinh tế ASEAN gắn kết và hội nhập cao như đã nêu trong Kế hoạch Tổng thể AEC 2025.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 21 và Hội nghị các Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 3 đã báo cáo được những kết quả đáng ghi nhận với việc ký kết hiệp định giữa In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, hoàn thành đàm phán giữa Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin trong Khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN. Ba nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan đã ký kết hiệp định về giải quyết tranh chấp thương mại về đồng nội tệ nhằm thúc đẩy sử dụng nội tệ trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư nội khối ASEAN. Nghị định thư về Thực thi gói cam kết thứ 6 và thứ 7 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ đã được phê chuẩn và dự kiến ký kết Nghị định thư thứ 8 vào năm 2018.
ASEAN cũng đạt được nhiều tiến triển trong thực thi và đàm phán các FTA ASEAN+. ASEAN đặt mục tiêu kết thúc đàm phán FTA ASEAN- Hồng Kong trong năm nay và dự kiến khởi động đàm phán chính thức về một khuôn khổ thiết lập các yếu tố cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Liên minh châu Âu. Trong đàm phán Hiệp định RCEP, các bên nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, tạo tiềm lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, làm sâu sắc hội nhập kinh tế khu vực và tạo thuận lợi phát triển kinh tế cân bằng cho tất cả các nước đàm phán RCEP. Ngoài ra, ASEAN đã củng cố quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác đối thoại như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Nga và Liên minh châu Âu.
TIN LIÊN QUAN | |