Thanh toán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn |
4 tháng trở lại đây, việc thu tiền điện tại nhà của ngành Điện trên địa bàn Hà Nội đã chấm dứt. Người dân nộp tiền tập trung tại các điểm theo quy định hoặc thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, không quá bất tiện khi không được thanh toán hóa đơn tiền điện tại nhà bởi nhờ có các sản phẩm thanh toán tiện ích qua điện thoại thông minh do ngân hàng thương mại cung cấp, người dân chỉ cần vài thao tác, việc chi trả đã trở nên dễ dàng.
Bên cạnh đó, “Ví Việt” của LienVietPostBank hay “Vietinbank iPay” của VietinBank cũng là hai trong nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến được các ngân hàng triển khai thời gian gần đây. Có thể nói, chưa bao giờ, việc thanh toán các hóa đơn dịch vụ, mua sắm lại thuận liện và nhanh chóng đến như vậy.
Chức năng của các sản phẩm thanh toán này không chỉ dừng lại ở việc chi trả hóa đơn dịch vụ mà còn có thể chuyển khoản trong và ngoài hệ thống; nạp tiền điện thoại, trả nợ thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm trực tuyến, mua sắm qua mạng…
Bước tiến lớn về công nghệ, kỳ vọng thay đổi của khách hàng, chuyển biến trong cơ cấu dân số toàn cầu, sự nổi lên của thương mại điện tử và sự giám sát pháp lý ngày càng chặt chẽ là những yếu tố khiến các ngân hàng thương mại mạnh tay hơn trong việc đầu tư, phát triển các dịch vụ thanh toán tiện ích.
TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank - cho rằng, công nghệ đang là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng nào chuẩn bị tốt về hạ tầng công nghệ sẽ “thắng” trong “cuộc đua” dịch vụ ở giai đoạn hội nhập.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi biết rằng tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng trong vài năm trở lại đây tăng lên khá cao nhờ một phần không nhỏ doanh thu từ hoạt động dịch vụ, trong đó có thanh toán. Đơn cử như tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), 6 tháng đầu năm 2016, số lượng sử dụng ứng dụng mobile banking (ngân hàng di động) tăng 20% và online banking (ngân hàng trực tuyến) tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái. VIB đang tiếp tục triển khai mô hình này bằng cách thiết lập khối ngân hàng công nghệ số, hướng tới nhóm khách hàng trẻ, hiểu biết công nghệ.
Trong Báo cáo mang tên “Các thị trường mới nổi – thúc đẩy chuyển biến trong thanh toán” do Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu (PwC) vừa công bố cho thấy đang có nhiều cơ hội đổi mới và tăng trưởng đối với hoạt động thanh toán nói chung và dịch vụ thanh toán tại các ngân hàng thương mại nói riêng. Ông Hugh Harley - lãnh đạo Dịch vụ tài chính tại các thị trường mới nổi của PwC - cho biết: “Phần lớn dân số tại các thị trường mới nổi chưa sử dụng dịch vụ tài chính. Vì vậy, định hướng của các nhà chức trách tại đây là phải đưa lực lượng này tham gia vào hệ thống tài chính”.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Các ngân hàng dành nhiều nguồn lực hơn cho ngân hàng số hóa và đang khám phá cách tận dụng điện toán đám mây, mạng xã hội trong thanh toán. |