Ngày 5/6, tại Đắk Lắk đã diễn ra Lễ mít tinh phát động Tháng hành động vì môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 trên một số tuyến đường trung tâm của Thành phố Buôn Ma Thuột như Nguyễn Tất Thành, Ngô Gia Tự...
Với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, tỉnh kêu gọi các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng xã hội về tác hại của nhựa và túi nilon; vận động cộng đồng xã hội hiểu, hạn chế sử dụng túi nilon hoặc thu gom, xử lý tái sử dụng nhựa và nilon để hạn chế thấp nhất việc xả thải ra môi trường.
Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và các đơn vị hữu quan tăng cường triển khai các giải pháp quản lý các cơ sở sản xuất đồ nhựa và túi nilon; tổ chức kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ nhựa và túi nilon để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường.
Các tổ chức chính trị xã hội cùng các đơn vị, địa phương cùng hành động, cùng cam kết vì một môi trường trong lành, an toàn, bền vững; thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, tổ chức các chương trình giáo dục truyền thông, chương trình Ngày chủ nhật không rác, Ngày hội tái chế, chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; tham gia trồng và bảo vệ cây xanh…
Sau lễ phát động, các đại biểu đã tham gia trồng cây xanh tại tiểu hoa viên góc đường Tôn Đức Thắng giao với đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các đại biểu tham gia trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2018 |
Cũng trong ngày 5/6, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức "Tuần lễ Đồng Nai xanh" nhằm kêu gọi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. "Tuần lễ Đồng Nai xanh" được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi có quy mô lớn trên địa bàn các huyện, thị xã như: Hội thi “Thiết kế thời trang từ những vật liệu phế thải”, “Tìm hiểu về phân loại rác tại nguồn”, lễ ra quân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng và bàn giao 30 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật…
Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong cuộc sống hằng ngày, không thể loại bỏ hoàn toàn nhựa, bao bì nilon nhưng có thể hạn chế và sử dụng hợp lý những vật dụng đó. Để khuyến khích các doanh nghiệp tích cực hoạt động sản xuất với mục tiêu bảo vệ môi trường phấn đấu xây dựng là thành phố công nghiệp sạch, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, khen thưởng cho những doanh nghiệp xử lý tốt chất thải trong quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường.
Đoàn thanh niên thị xã Đồng Xoài ra quân dọn vệ sinh tại xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước |
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới, lãnh đạo tỉnh Bình Phước kêu gọi người dân nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; đồng thời, các địa phương tăng cường trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ngay sau lễ phát động, hàng trăm người đã tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại các công sở, trường học.
Dịp này, giáo viên, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, huyện Phú Riềng đã ra quân trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Thị xã Đồng Xoài cũng ra quân bảo vệ môi trường và phát động phong trào trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2018. Hơn 100 cây sưa, dầu ra được trồng tại khuôn viên UBND Phường Tân Đồng. Các xã, phường trên địa bàn thị xã đã đăng ký trồng 3.850 cây xanh phân tán các loại.
Ngày 5/6, sau Lễ phát động, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hòa Bình đã tham gia trồng cây xanh tại khuôn viên UBND huyện Lạc Sơn. Hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Lạc Sơn tham gia diễu hành, thu gom rác thải hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.
Trong Tháng hành động vì môi trường, tỉnh Hòa Bình tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực giám sát, phản biện và tham vấn của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường; phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ môi trường"; huy động các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; trồng cây xanh đô thị; trao đổi sản phẩm tái chế; ngày hội sống xanh...
Chú trọng tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nilon; tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng.
Lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể tỉnh Hưng Yên làm vệ sinh tại Công viên Nam Hòa và khu vực sông Điện Biên. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân |
Tập trung xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp có phát sinh chất thải lớn, vận động người dân xử lý chất thải tại khu dân cư... Đây là giải pháp được tỉnh Hưng Yênđưa ra tại lễ phát động "Chiến dịch Bảo vệ môi trường vì sức khỏe cộng đồng", nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới 5/6.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tình trạng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và túi nilon đang tạo áp lực lớn cho việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Cùng với các làng nghề còn có hơn 20 doanh nghiệp nằm trong danh mục gây ô nhiễm mỗi trường, có thông số xả thải vượt quy chuẩn cho phép.
Trước tình hình đó, Tỉnh yêu cầu mỗi tập thể, cá nhân tích cực tham gia trồng, bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi, làm tốt việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, tham gia thu gom, xử lý chất thải tại khu dân cư, trường học và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo các địa phương huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư xử lý rác thải, sử dụng các công nghệ xử lý, tái chế chất thải tiên tiến; từng bước hạn chế chôn lấp rác thải và sớm xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Đối với các doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo thường xuyên kiểm tra các đơn vị trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường; có biện pháp yêu cầu dừng hoạt động sản xuất và tham mưu đề xuất chấm dứt hoạt động của dự án trước thời hạn do vi phạm theo quy định của pháp luật đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ việc xả thải vào môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh chất thải lớn trên địa bàn.
Hoạt động hưởng ứng "Tháng hành động vì môi trường năm 2018″ tại Đà Nẵng |
Tại TP. Đà Nẵng nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng "Tháng hành động vì môi trường năm 2018″ sẽ diễn ra từ ngày 26/5 đến 31/7 như: Tổ chức Lễ phát động cấp thành phố hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Chiến dịch “Tôi yêu thành phố” tổ chức vào sáng ngày 3/6 tại Công viên Thanh niên với 1.500 người tham dự, góp phần truyền đạt cảm hứng và kết nối cộng đồng với chính quyền trong việc cùng nhau xây dựng Đà Nẵng ngày càng phát triển hơn trong lộ trình xây dựng thành phố môi trường. Tạo điều kiện để người dân hưởng ứng, bình chọn và đề xuất các giải pháp hữu ích về phát triển xanh, bền vững của Thành phố.
Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động như: "Tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước” trên toàn địa bàn Thành phố, bắt đầu từ ngày 22/7-31/7, với lễ phát động vào sáng ngày 22/7 với 1.200 người tham dự; tổ chức Hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng; Xây dựng mô hình Thùng phân loại rác tại trung tâm Hành chính Đà Nẵng…
Ngoài ra, các hoạt động như: Triển lãm hơn 100 bức tranh có nội dung về bảo vệ tài nguyên và môi trường; treo 500 băng rôn; phướn tại các trục đường, khu vực chính, xây dựng phim phóng sự về giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nilon, về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
TIN LIÊN QUAN | |