Định hướng chiến lược hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV Ấn Độ đẩy nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh với các nước CLMV Nâng cao năng lực thực thi Chương trình Nghị sự số cho các nước CLMV |
Theo Statista, ASEAN - khu vực phát triển năng động nhất thế giới, được dự báo đạt doanh thu thương mại điện tử 175 tỷ USD vào cuối năm 2027. Trong khi Diễn đàn Đông Á dự báo kinh tế số khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm và đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
ASEAN sớm đã nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử và kinh tế số. Năm 2021, ASEAN ban hành Lộ trình Bandar Seri Begawan (BSBR), trong đó chỉ ra rằng ASEAN sẽ sớm đạt được Hiệp định khung về Kinh tế kỹ thuật số ASEAN vào năm 2025 để trở thành Nền kinh tế số hàng đầu khu vực.
Bên cạnh những cơ hội, ASEAN cũng đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV). Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các nước Campuchia, Lào, Myanmar (CLM) có thể gặp khó khăn trong việc thực thi Hiệp định ở cả góc độ Chính phủ và doanh nghiệp. Còn với Việt Nam, mặc đù đã có các quy định trong nước toàn diện, nhưng kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cần được nâng cao hơn nữa để tận dụng tốt nhất Hiệp định.
Trong bối cảnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức Chương trình Nâng cao năng lực các nước CLMV nhằm thực thi Chương trình chuyển đổi số trong ASEAN tại Đà Nẵng từ ngày 29 - 31/8/2023 vừa qua.
Chương trình Nâng cao năng lực các nước CLMV nhằm thực thi Chương trình chuyển đổi số trong ASEAN |
Trong khuôn khổ Chương trình, các diễn giả đến từ ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đã tập trung chia sẻ nội dung về xây dựng chiến lược để vượt qua những thách thức trong thương mại điện tử xuyên biên giới xoay quanh 5 vấn đề: Bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng; Bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến và giải quyết tranh chấp trực tuyến; Thanh toán điện tử và hóa đơn điện tử; Thương mại số và tiêu chuẩn thương mại số; Ứng dụng công nghệ mới nổi trong kinh tế số.
Tiến sỹ JJ.Pan, Chuyên gia APAC cho rằng, dữ liệu nếu được phân tích và sử dụng hiệu quả có thể trở thành nguồn tài nguyên mới quý giá cho phát triển kinh tế. Hiện nay, sự lưu chuyển luồng dữ liệu xuyên biên giới ngày càng tăng. Tuy nhiên, những mối lo ngại về sở hữu, sử dụng dữ liệu, an ninh mạng, dữ liệu cá nhân và sự tập trung sức mạnh của một số công ty kiểm soát dữ liệu đang đặt ra thách thức cho tất cả các quốc gia, trong đó có ASEAN.
“Để giải quyết các vấn đề này cần có chính sách tổng thể làm nền tảng hỗ trợ quy trình truyền dữ liệu và giải quyết các mối lo ngại liên quan đến quyền riêng tư, bảo mật và phát triển kinh tế” - tiến sỹ JJ.Pan cho hay.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng trở nên “kỹ thuật số”, chính sách cần là nền tảng để xây dựng môi trường tốt hơn cho thương mại điện tử xuyên biên giới và kinh tế số. Việc phát triển các tiêu chuẩn ngành, nhãn chứng nhận… cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho việc giải quyết những thách thức đặt ra trong lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới.
Trong khi đó, luật sư Mary Denzyll, thuộc Văn phòng vận động và chính sách người tiêu dùng của Philippines và nhóm chuyên gia của Việt Nam nhận định: ASEAN đã có hệ thống chính sách và nhiều chương trình, sáng kiến thực thi việc bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến. Tuy nhiên, ở nhiều khía cạnh khác nhau, ASEAN có thể tiếp tục một số những hoạt động nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến.
Cụ thể như: Nâng cao khả năng tiếp cận trong thương mại điện tử; Rà soát các luật hiện hành và thực hiện các bước quản lý, thực thi phù hợp; Tăng cường sự minh bạch trong thương mại điện tử; Tăng cường những nỗ lực điều chỉnh song song với khu vực tư nhân;…
Với những vấn đề về thương mại điện tử phi giấy tờ, các chuyên gia của Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam đã chia sẻ những mô hình thương mại phi giấy tờ đang được triển khai tại ASEAN và một số nước trên thế giới, Theo ông Vũ, chuyên gia trong lĩnh vực Chính phủ số cho biết, hiện tại ASEAN đã triển khai và kết nối Hệ thống một cửa. Hệ thống này mang lại rất nhiều lợi ích cho các nước ASEAN. Tuy nhiên, đối với thương mại phi giấy tờ, ASEAN hiện chỉ có C/O điện tử được truyền qua Hệ thống một cửa ASEAN. Khoảng cách lớn trong phát triển hệ thống một cửa giữa các nước thành viên ASEAN là rào cản trong kết nối.
Bên cạnh đó, ASEAN đã ký nhiều Hiệp định thương mại với các đối tác ngoài ASEAN, nhưng những chứng từ thương mại chưa được truyền điện tử. Để giải quyết các thách thức này, việc nhận thức được lợi ích của Hệ thống thương mại phi giấy tờ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. ASEAN cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển Hệ thống một cửa ASEAN, tạo thực thi các Hiệp định của ASEAN và đối tác và kết nối với các đối tác ngoài ASEAN thông qua Hệ thống một cửa.