Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử trong phát triển kinh tế toàn khu vực, từ năm 2000, ASEAN đã nhấn mạnh vào sự phát triển xuyên khu vực của thương mại điện tử thông qua việc ký kết Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, khuyến khích các nước thành viên ASEAN (AMS) áp dụng các khuôn khổ pháp lý và quy định về thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, các biện pháp chiến lược đã được xác định để khuyến khích hơn nữa sự phát triển của thương mại điện tử ASEAN, cụ thể là: Hài hòa về quyền và luật bảo vệ người tiêu dùng; Khung pháp lý hài hòa để giải quyết tranh chấp trực tuyến, có tính đến các tiêu chuẩn quốc tế hiện có; Các cơ chế ủy quyền và nhận dạng điện tử (chữ ký điện tử) có thể tương tác, được công nhận lẫn nhau, an toàn, đáng tin cậy và thân thiện với người dùng; và khuôn khổ nhất quán và toàn diện để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, bên cạnh Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, ASEAN đã đạt được một bước tiến lớn vào năm 2021 khi ban hành Lộ trình Bandar Seri Begawan (BSBR), trong đó chỉ ra rằng ASEAN sẽ sớm đạt được Hiệp định khung về Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN vào năm 2025 để trở thành Nền kinh tế Kỹ thuật số hàng đầu khu vực.
“Để thực thi các chương trình nói trên, rõ ràng trong số các quốc gia AMS, Campuchia, Lào, Myanmar (CLM) sẽ cần thời gian chuyển đổi để thực hiện một số điều khoản chính như: Bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, Xác thực điện tử và Chữ ký điện tử. Ngoài ra, CLM còn thiếu các quy định trong nước về một số vấn đề như: Truyền thông tin xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử và vị trí của các cơ sở máy tính. Do đó, CLM có thể gặp khó khăn trong việc thực thi Hiệp định ở cả góc độ chính phủ và doanh nghiệp” - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.
Tại Việt Nam, mặc dù có các quy định trong nước toàn diện về: Bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, Xác thực điện tử và Chữ ký điện tử,… nhưng kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cũng cần được nâng cao hơn nữa để tận dụng tốt nhất Hiệp định.
Với mục đích nâng cao năng lực của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) trong việc thực thi Chương trình Nghị sự số của khu vực, đặc biệt là Chương trình làm việc của ASEAN về thương mại điện tử 2017 - 2025; Kế hoạch hành động Khung hội nhập số ASEAN 2019 - 2025; Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử và Kế hoạch thực thi Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Ban thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực cho khu vực công và tư để thực hiện Chương trình Nghị sự số ASEAN cho các nước CLMV tại Đà Nẵng, từ ngày 29 đến ngày 31/8.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ trao đổi thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ chia sẻ quan điểm về việc triển khai thương mại điện tử tại khu vực Châu Á và các chiến lược để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.