CôngThương - Sự hồi phục kinh tế toàn cầu có thể bị suy yếu, hủy hoại nếu các nhà hoạch định chính sách phản ứng trước sự gia tăng quyền lực của các nền kinh tế mới nổi và sự lên giá hàng hóa tiêu dùng bằng cách hạn chế và siết chặt tiền tệ và các nguồn vốn. Đó là nhận định được Thống đốc ngân hàng Canada Mark Carney đưa ra tại Hội nghị thường niên của Ngân hàng phát triển quốc tế Mỹ.
Chặn các dòng vốn chảy vào
Thực tế hiện nay các nền kinh tế mới nổi chiếm ba phần tư sự tăng trưởng kinh tế thế giới, một mức tiến triển đặc biệt nhanh so với mức một phần ba của một thập kỷ trước. Trong lúc đó, nhiều nền kinh tế mới nổi đang cố gắng hành động chặn trước các dòng vốn chảy vào và trì hoãn những sự siết chặt tiền tệ cần thiết. Điều đó làm cho nhu cầu tiêu dùng nội địa gia tăng và dẫn dắt giá hàng hóa lên cao hơn nữa trong một chu kỳ tăng giá cao. Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi quyết liệt về việc nhân dân tệ có bị định giá dưới mức giá trị thực hay không dẫn đến làm mất cân bằng thương mại toàn cầu. Trong khi các nước như Brazil lại dùng giải pháp kìm nén, hạn chế sự gia tăng giá trị đồng tiền của mình.
Do đó, tháng trước các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm 20 quốc gia hàng đầu đã nhóm họp tại Paris bàn về các biện pháp nhằm xem xét dòng vốn đầu tư toàn cầu có trở nên mất cân đối không sau khi dòng vốn này đã một phần tham gia phát tán sự khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế. Thống đốc ngân hàng Canada cho rằng những động lực khiến cho giá hàng hóa tăng cao và dòng vốn luân chuyển hiện tại đang tạo nên các nguy cơ tiềm ẩn lớn đối với sự ổn định tài chính và tăng trưởng bền vững trong khắp các châu lục. Sự mất cân bằng tăng cao khi các nước phản ứng lại với những hành động trên của các nền kinh tế mới nổi.
Nhu cầu hàng hóa tăng mạnh
Hầu hết sự tăng giá của hàng hóa tiêu dùng có sự liên hệ đến sự gia tăng mạnh, liên tục về nhu cầu của người tiêu dùng và nhu cầu đó tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới. Chính vì thế xét trên bình diện trái phiếu chính phủ thì các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến những trái phiếu có thời gian đáo hạn ngắn. Và thông điệp từ các hành động đó là trái phiếu chính phủ dài hạn dường như không thể đủ mức sinh lời để bù cho các nguy cơ lạm phát sẽ xảy ra, xét trên phương diện toàn cầu. Chính vì thế thay vì trì hoãn quá nhiều về chính sách tiền tệ, các nước nên có sự thay đổi về cấu trúc cơ bản. Ví dụ hãng McKinsey & Company tính toán rằng tầng lớp trung lưu trên thế giới đang phát triển mở rộng mỗi năm thêm 70 triệu người và tỷ lệ của họ trong dân số toàn cầu sẽ tăng gấp đôi lên đến 40% vào cuối thập kỷ này.
Phản ứng của các nước phát triển
Một số nhà lãnh đạo chính trị đã phê phán sự đầu cơ, tích trữ tài chính khiến xảy ra sự tăng vọt giá cả hàng hóa. Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, người sẽ đảm nhận chức vụ chủ tịch G20 năm 2011 cho biết ưu tiên lớn của ông sẽ là đặt ra các quy tắc đối với giá cả hàng hóa tiêu dùng vì nếu không có hành động hợp lý, giá lương thực, thực phẩm có thể khiến xảy ra bạo loạn tại các nước nghèo nhất thế giới. Và cũng vì vậy, ông Zarkozy đã đề nghị mở Hội nghị quốc tế về giá hàng hóa tiêu dùng vào tháng 4/2011 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước phát triển cho rằng các quốc gia khác cũng cần phản ứng với khuynh hướng kìm giữ giá trị đồng tiền. Khi các nền kinh tế lớn có đồng tiền ở mức thấp hơn giá trị thực tế, nhiều nước khác sẽ có xu hướng làm theo, bắt chước. Tổng hợp hậu quả của những hành động này là nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản tại các nền kinh tế mới nổi và theo thời gian sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới.