Tiền Giang: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu khởi sắc Giá dừa tươi tăng mạnh, nông dân Tiền Giang phấn khởi Trái vải, mận hậu sẽ được giới thiệu tại Ngày hội trái cây Tiền Giang |
Tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch chiếm hơn 2,2%
Thời gian qua, phần lớn nông sản của Việt Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang xuất khẩu chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch vẫn còn thấp và thị trường tiểu ngạch chính là Trung Quốc.
Tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch thanh long sang thị trường Trung Quốc của tỉnh Tiền Giang còn rất thấp |
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Hợp tác xã Thiên Phúc (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), hợp tác xã có khoảng 500ha thanh long sản xuất theo chuẩn VietGAP. Thời gian qua, việc tiêu thụ thanh long của hợp tác xã cũng như nhiều đơn vị khác gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phần lớn thanh long của hợp tác xã đều xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Giám đốc Hợp tác xã Thiên Phúc cũng cho biết, do xuất khẩu tiểu ngạch thuận lợi nên việc xuất khẩu chính ngạch bị hạn chế. Nguyên nhân xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi doanh nghiệp phải có đầy đủ thủ tục, còn xuất khẩu tiểu ngạch chỉ cần điện thoại qua là mua được. Chính vì vậy nhiều thương nhân và nông dân… không mặn mà với xuất khẩu chính ngạch.
Theo quy định của Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (hay còn gọi là tiểu ngạch) sẽ được hưởng một số ưu đãi nhất định, thí dụ như được miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế nếu hàng hóa trao đổi không vượt quá 8.000 Nhân dân tệ/người/ngày. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán, cụ thể là lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân để nhập khẩu hàng.
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao, ước đạt 2 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả (chính ngạch) ước đạt 6.812 tấn, với kim ngạch đạt 15 triệu USD, chiếm 0,75% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), giảm 6,21% về lượng và tăng 3,0% về trị giá.
Đáng chú ý, hàng rau quả của tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu qua hơn 25 thị trường như: Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Trái cây của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu trái cây tươi (đông lạnh), trái cây đóng lon, sản phẩm cô đặc… Trong đó, xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc chiếm 2,23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh.
Trao đổi với phong viên Vuasanca , ông Đặng Văn Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Nguyên nhân xuất khẩu chính ngạch nông sản của Tiền Giang qua thị trường Trung Quốc còn ở tỷ lệ thấp là do một bộ phận không nhỏ thương nhân và nông dân chọn xuất khẩu qua thị trường này theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch). Vì xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, mặt hàng nào cũng có thể bán được, tiêu chuẩn nào cũng có thể bán được.
Đặc biệt là nông sản, có thể không cần mã số vùng trồng hay mã số doanh nghiệp. Bao bì, đóng gói cũng không cần theo tiêu chuẩn xuất khẩu, các loại quả có thể dùng rơm để lót và đựng trong bao bì thô sơ như sọt, bao tải dứa… Cùng với đó, các loại trái cây, nông sản chưa đựơc Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính thức vẫn xuất khẩu tiểu ngạch được bình thường.
Thời gian qua, xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang Trung Quốc của Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng chủ yếu tập chung tại 3 cửa khẩu là Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) nên mỗi khi nông sản vào vụ thu hoạch là xảy ra ùn ứ do không thể chuyển hàng hóa sang các cửa khẩu khác và cũng không thể tận dụng các phương thức vận chuyển khác như đường sắt, đường biển và đường hàng không.
“Xuất khẩu tiểu ngạch có ý nghĩa quan trọng với nhiều mặt hàng nhưng do không được phân định với xuất khẩu chính ngạch, không được thống kê, tổng hợp riêng nên việc đánh giá, nhận định về hoạt động tiểu ngạch gặp rất nhiều khó khăn” - ông Đặng Văn Tuấn bày tỏ.
Có thể nói, các ưu đãi của Trung Quốc đối với hình thức trao đổi cư dân kết hợp với chính sách có tính tương thích cao của Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành xuất khẩu tiểu ngạch tồn tại và phát triển.
Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch
Các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quan quan lý đều nhìn nhận, việc xuất khẩu tiểu ngạch đã giải quyết một lượng lớn nông sản của nước ta, nhưng hình thức xuất khẩu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.
Hiện nay, Trung Quốc mới cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam, bao gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Tuy nhiên, chỉ đàm phán và ký được một Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái măng cụt. Do đó, việc thông quan các loại trái cây còn lại tỷ lệ kiểm tra khi thông quan cao, dẫn đến thời gian kéo dài.
Nhằm hạn chế những tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch, quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết đã và đang trung thực hiện và triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều phải thực hiện nghiêm túc các quy định về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ghi nhãn hàng hóa... Đặc biệt, đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Cùng với đó, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GolobalGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo vệ nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến và hướng dẫn các hộ dân về phương thực sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu.
Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương tập huấn, cung cấp thông tin về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa… đối với những thị trường tiềm năng, sản phẩm hàng hóa của tỉnh có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn.