Xuân sum vầy trên đất Pháp Sinh viên Lào đón Tết cùng người Đà Nẵng |
Tết đến Xuân về, dù ở phương trời nào, trong lòng mỗi người con đất Việt đều có chung cảm xúc, hướng lòng về đất mẹ, điểm thời khắc Giao thừa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Với những bạn du học sinh đang sinh sống tại Nga cũng không ngoại lệ, dù đang bận rộn học tập, ôn thi, làm việc nhưng các bạn cũng có cùng cảm nhận về Tết như những người ở quê nhà.
Ở Nga, nhớ không khí Tết cổ truyền
Mâm cỗ của gia đình người Việt sống tại thành phố Ulyanovsk, Nga. (Ảnh: NVCC) |
Tại thành phố Ulyanovsk, nơi được đặt tên theo họ của lãnh tụ Vladimir Illyich Lenin Ulyanov, có khoảng 800 người Việt đang học tập, làm ăn và sinh sống tại đây. Bạn Nguyễn Khánh Ly (sinh năm 2002), sinh viên năm 3 trường Ulyanovsk State University (thành phố Ulyanovsk) chia sẻ, đã 9 năm sang Nga cùng với gia đình, nhưng bạn còn nhớ rõ kỷ niệm được trông nồi bánh chưng nghi ngút khói để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
“Mình rất mong muốn được ngồi trông bánh chưng. Bên này, người ta dùng bếp điện nên không có chuyện thức trông bánh, nên dường như Tết cũng thiếu đi kỷ niệm”, Khánh Ly chia sẻ và cho biết: Lá dong tại Nga rất đắt, nên chỉ những người có kinh nghiệm, “lành nghề” mới được gói bánh, nên những người trẻ như Khánh Ly cũng muốn được thử sức gói bánh chưng một lần.
Các em nhỏ người Việt tập những điệu múa cổ truyền chào Tết Nguyên đán. (Ảnh: NVCC) |
Dù sang Nga cùng gia đình để sinh sống và học tập, nhưng đã 3 năm nay Khánh Ly chưa được ăn Tết cùng bố mẹ, phần vì bận công việc, phần vì bố mẹ sẽ về Việt Nam công tác. Nên mỗi khi Tết đến, Khánh Ly cùng em gái sẽ đến nhà họ hàng, láng giềng người Việt để cùng chung vui Tết, đếm thời khắc giao thừa.
“Vào ngày Tết tại Nga, nếu như trước đây vẫn có tổ chức các hội chợ Xuân thì những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất ít nơi tổ chức. Người Việt tại đây cũng sẽ chỉ đón Tết rồi tiếp tục quay trở lại nhịp sống thường ngày. Mình nhớ khoảnh khắc cả nhà đi chúc sức khỏe nội, ngoại hai bên, đi đến đâu cũng nhiều món ngon ngày Tết”, bạn Khánh Ly chia sẻ.
Đi tìm không khí Tết giữa Moskva tuyết trắng
Giữa tiết trời rét buốt, tuyết phủ kín những con đường tại thủ đô Moskva, Nga, bạn Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1999), hiện đang theo học hệ Chuyên gia Tâm lý tại Đại học Xã hội Quốc gia Nga (thành phố Moskva) chia sẻ, đây là năm thứ 5 mà Kim Anh đón Tết xa nhà và cô dường như đã “quên Tết”.
“Cộng đồng người Việt tại Moskva, chính xác hơn là cộng đồng du học sinh tại đây cũng sẽ tổ những bữa tiệc Tất niên, cùng gói bánh Chưng, bánh Tét, mở nhạc xuân để đón Tết cổ truyền quê hương. Nhưng lần thứ 5 mình ăn Tết ở xứ người, vì tất cả mọi người đều bận rộn nên năm nay nếu không có ai nhắc, chắc mình cũng quên mất bao giờ là đến Tết”, Kim Anh cười.
Thay vì mọi năm, mọi người cùng tụ tập thì hội sinh viên sẽ chỉ cử đại diện đi chúc Tết các du học sinh tại trường. Theo Kim Anh, năm nay Tết Nguyên đán trùng với lịch học, lịch thi của nước Nga nên những du học sinh Việt đều bận rộn hơn, ai cũng tập trung học tập, làm việc và không còn đặt nặng sự quan tâm về Tết.
Ban chấp hành Đoàn - Đơn vị Trường Đại học Xã hội Quốc gia Nga chúc tết các bạn sinh viên tại Kí túc xá 4. (Bạn Kim Anh đứng thứ 3 từ trái qua) |
“Tất nhiên là Tết thì ai cũng muốn về nhà nhưng ở Nga, mồng 1 Tết mình vẫn tới trường học nên dần dà đã làm quen, ít bận tâm tới Tết nữa. Có lẽ sau thi, bọn mình sẽ ăn Tết bù, nên vẫn có thể được vui”, Kim Anh cho hay.
Những bao lì xì đỏ cùng lời chúc tốt đẹp nhất của các bạn du học sinh tại thủ đô Moskva dành cho nhau nhân dịp Tết Quý Mão. |
Những ngày Tết tại Nga chẳng khác gì so với ngày thường, khiến những bạn du học sinh như Kim Anh chơi với với nỗi nhớ quê hương. Khoảng 14 giờ (giờ Moskva) chiều ngày 21/1, tức khoảng 18 giờ tối (giờ Hà Nội) ngày 30 Tết, Kim Anh lên tàu để đi đến nơi bán Bánh chưng cách nhà khoảng 20 km.
“Ở Nga, việc tìm mua đồ ăn Việt không quá khó. Mình dự định sẽ mua bánh chưng rồi tìm mua nguyên liệu và làm một số món ăn Việt như nem rán để mời bạn bè về thưởng thức”, Kim Anh chia sẻ và nói thêm: “Thời khắc Giao thừa, mình sẽ gọi điện về cho bố mẹ, ông bà để cùng chung vui với gia đình, điều này đã lặp lại như một thói quen”.