Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics
Công Thương và công luận 28/04/2022 16:04
Hội thảo do Vuasanca phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới, với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia.
Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,25 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 668,5 tỷ USD năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc hội thảo. |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics.
“Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản vẫn duy trì được chuỗi cung ứng.
Quang cảnh hội nghị |
Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ ra rằng, dù có bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhưng ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.
Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
“Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.
Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân hoan nghênh và đánh giá cao việc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Vuasanca tổ chức hội thảo này.
Đồng thời nhấn mạnh, chủ đề của hội thảo mặc dù không mới, nhưng là yếu tố then chốt, là vấn đề tiên quyết cần giải quyết nếu muốn ngành logistics có thể phát triển bứt phá, đạt được vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng, vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19”.