Đấu tranh với “tà đạo” trên địa bàn xứ chè Về sinh hoạt và tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam |
Tuy nhiên, lợi dụng điều này, các tà đạo và tổ chức bất hợp pháp đội lốt tôn giáo đã len lỏi vào một số địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự và đời sống của nhân dân. Vì vậy, cần cảnh giác và đấu tranh loại bỏ các tổ chức bất hợp pháp này.
Từ cái được gọi là “Đạo nhân quả”
Trong những ngày vừa qua, tại một số địa phương ở miền Trung xuất hiện đoàn người mặc áo quần mầu vàng, đầu trọc, trông tựa như các tăng sĩ phái Khất Sĩ chính thống của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Trên một số trang mạng xã hội cũng thấy xuất hiện hình ảnh đoàn người nam có, nữ có đi bộ khất thực. Thế nhưng, khi được hỏi những người này trả lời, họ không theo đạo Phật mà là “Đạo nhân quả”.
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Ảnh: phatgiao.org.vn |
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết giáo phái mới này tự xưng là “Đạo nhân quả”, không có trú xứ, chỉ hoạt động online trên không gian mạng với trang web: taisinhkhongcon.com, Facebook và điện thoại di động. Nhân vật giáo chủ giáo phái lạ này là một người ẩn danh, tự xưng là "Đức Cha Lành Tâm Phật".
Trên một trang mạng xã hội đăng, khi được một youtuber gặng hỏi một nữ tu đang tụ họp trên quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Vị này cho biết họ là thành viên “Đoàn Khất Sỹ” thuộc “Đạo nhân quả”, đang du hành khất thực theo hạnh đầu đà nhà Phật. Tuy nhiên vì đa số là nữ giới nên họ không đi bộ mà di chuyển bằng xe ô tô. Mục đích của họ là truyền bá đạo mới nhằm “giúp nhân sinh ngày càng giác ngộ rõ hơn” (lời của họ).
Theo trang web và Facebook của cái gọi là “Đạo nhân quả” này, họ đã và đang kêu gọi mọi người hãy cúng dường tịnh tài kể cả nhà cửa, đất vườn vào “Quỹ cúng dường Tam Bảo” – để thiết lập những trú xứ và những trú xứ này sẽ trở thành ngôi nhà của Tam Bảo - của Đức Phật Như Lai - của Đoàn Khất Sỹ thiêng liêng.
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã lập biên bản, xử lý thu hồi hàng trăm cuốn sách tuyên truyền cái được gọi là “Đạo nhân quả” này.
Thực ra tổ chức được gọi là “Đạo nhân quả” đã hoạt động bất hợp pháp ở một số địa phương của Việt Nam từ vài năm nay. Theo cái được gọi là “tôn chỉ mục đích” của tổ chức này là “để hòa hợp Đạo Chúa và Đạo Phật”. Đó là “Đạo của lòng yêu thương thánh thiện vô điều kiện - đạo của tất cả nhân sinh không phân biệt tôn giáo - không phân biệt cư sỹ, tu sỹ - không phân biệt trẻ, già,.. vì tất cả đều cùng tu”. Theo lời kinh thì “ai tham gia đạo sẽ thoát khổ sớm được thành Thánh”.
Sự dối trá và truyền bá mê tín dị đoan rõ nhất của tổ chức này là kêu gọi tôn thờ một vị mà chúng cho là “cao siêu hơn Đức Phật”.
Đến những hành vi vi phạm pháp luật đội lốt tôn giáo
Không chỉ có “Đạo nhân quả” đội lốt tôn giáo mà tại nhiều địa phương của Việt Nam cũng đã xuất hiện một số tổ chức bất hợp pháp “khoác tấm áo” của tôn giáo. Tổ chức “Ân điển cứu rỗi” là một ví dụ. Tổ chức này còn có tên gọi khác là “Ân điển đời đời” du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam từ hơn chục năm nay.
“Ân điển cứu rỗi” xuất hiện từ năm 2011 tại xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng do đối tượng Hoàng Tràn Pyao (sinh năm 1986, trú tại xóm Nặm Pắt, xã Đình Phùng) làm trưởng nhóm. “Ân điển cứu rỗi” có giáo lý cực đoan, cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật như: “Sống trong tội lỗi mà không cần phải ăn năn và cảm thấy day dứt hối hận”. Đến năm 2015, tổ chức “Ân điển cứu rỗi” đã phát triển sang xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc. Những người tin theo tổ chức bất hợp pháp này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp...
Trước đó, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đã hình thành tổ chức bất hợp pháp đội lốt tôn giáo mang tên “Đạo Dương Văn Mình” do đối tượng Dương Văn Mình, người dân tộc Mông cầm đầu. Lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, tổ chức này đã truyền bá những tư tưởng lệch lạc, sai trái, lôi kéo đồng bào Mông tham gia và tiến hành nhiều hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như vận động đồng bào bỏ bàn thờ tổ tiên, bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo “chúa trời”- tức Dương Văn Mình. Khi tổ chức lễ tang cho người qua đời, họ không sử dụng khèn, trống mà thay bằng các “linh vật” là con chim én, con ve sầu và con cóc... Đây là những “linh vật” do Dương Văn Mình tự nghĩ ra và chỉ đạo các đối tượng cốt cán tuyên truyền trong tổ chức. Sau khi chiếm được lòng tin của đồng bào, Dương Văn Mình tiếp tục lừa gạt, quyên góp tiền với luận điệu “muốn sung sướng, khỏi ốm đau...” thì phải nộp tiền, của cải để làm lễ và lập ra “Quỹ Vàng Chứ”. Nhiều người tin và nghe theo, bán hết trâu, bò, lợn, gà để nộp tiền cho tổ chức bất hợp pháp này.
Dương Văn Mình còn cử người gặp và cung cấp cho đối tượng nước ngoài một số tài liệu vu cáo, xuyên tạc chính quyền “đàn áp” tôn giáo; câu kết với một số đối tượng chống đối chính trị ở TP. Hồ Chí Minh lập dự án xin tiền hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài... Hoạt động của Dương Văn Mình và đồng bọn đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng và bị nghiêm trị. Đến nay, các địa phương bị ảnh hưởng đã cơ bản xóa bỏ được tổ chức này. Tuy nhiên, sau nhiều năm tồn tại, các hoạt động của tổ chức này vẫn để lại nhiều hệ lụy nặng nề.
Các đối tượng của Hội thánh đức Chúa trời truyền đạo trái phép. Ảnh: TTXVN |
Ngoài những tổ chức bất hợp pháp nói trên, thời gian qua, trên lãnh thổ Việt Nam còn xuất hiện những tà đạo đội lốt tôn giáo như: Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, đạo bà Điền, đạo Dừa, Thanh Hải vô thượng sư, đạo Hà Mòn, Bà cô Dợ, Tin lành Đề ga, đạo Ty, đạo Tiên Rồng… Những tà đạo này được truyền bá, phổ biến theo nhiều hình thức truyền thông như trên internet, website, Facebook, Zalo, vlog, Twitter, YouTube... thậm chí hình thành những “thị trường tâm linh” gây bất an cho xã hội. Năm 2017, hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên bị tà đạo Bà cô Dợ mê muội, hoang tưởng, lôi kéo, dụ dỗ, lừa mị “chỉ cần đọc kinh cầu nguyện sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, thế giới sẽ công bằng hơn, mình không làm gì cũng có ăn”, trong khi bản thân họ đều là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nguy hại hơn, tà đạo này còn kích động người dân gây mâu thuẫn trong chính gia đình, dòng họ, đả kích các tôn giáo khác và gieo rắc tư tưởng thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”.
Cần đấu tranh kiên quyết với các tà đạo và tổ chức bất hợp pháp đội lốt tôn giáo
Việt Nam là quốc gia đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo. Theo kết quả khảo sát của Viện Diễn đàn Pew có trụ sở ở Mỹ, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và sáu quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao.
Tính đến tháng 1/2024, khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tôn giáo, trong giai đoạn đổi mới đất nước, Việt Nam đã thực hiện việc cấp đăng ký hoạt động và công nhận tổ chức cho các tôn giáo đủ điều kiện. Đến tháng 11/2023, Việt Nam đã có 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động gồm: Khối du nhập từ nước ngoài gồm 9 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo (Islam), Bà La môn, Baha’i, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kytô, Minh Sư đạo. Khối nội sinh gồm 7 tôn giáo: Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Minh Lý đạo Tam Tông miếu. Tổng số tín đồ các tôn giáo hiện nay vào khoảng 27 triệu người, chiếm gần 27% dân số; trên 54 ngàn chức sắc; trên 135 ngàn chức việc; hơn 29 ngàn cơ sở thờ tự; hàng nghìn điểm, nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức tôn giáo hợp pháp hành đạo nhân văn và có trách nhiệm cao với Tổ quốc, vẫn còn có những tổ chức đội lốt tôn giáo, hoạt động bất hợp pháp, xúi giục nhân dân đi vào con đường mê tín dị đoan. Cần phải kiên quyết đấu tranh để sớm loại bỏ các tổ chức này ra khỏi xã hội Việt Nam.
Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên tuyền, giáo dục để người dân nhận diện đâu là tổ chức tôn giáo hợp pháp là đâu là tổ chức đội lốt tôn giáo. Từ đó, động viên quần chúng đấu tranh với các tà đạo đội lốt tôn giáo.
Chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận và theo quy định của pháp luật. Xem xét, giải quyết thấu đáo các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy của người dân trên địa bàn, phân biệt sinh hoạt tôn giáo thuần túy và việc lợi dụng tôn giáo trong giải quyết các vụ, việc phức tạp để loại bỏ yếu tố chính trị cực đoan ra khỏi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Các lực lượng chức năng triển khai các phương tiện, biện pháp, nhất là đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tín đồ, tranh thủ chức sắc, cũng như vận dụng có hiệu quả biện pháp ngoại giao để kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch. Kịp thời định hướng dư luận trước các vấn đề “nổi cộm”, nhất là các vấn đề liên quan đến tôn giáo, thu hút sự quan tâm sâu sắc của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới hoạt động chống đối, ly khai, có màu sắc chính trị, không để hình thành tổ chức.
Tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các tôn giáo, không để bị động, bất ngờ, bùng phát thành “điểm nóng”. Chú trọng thu thập, củng cố chứng cứ về các sai phạm của số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo để xây dựng kế hoạch xử lý phù hợp. Làm việc với các tổ chức tôn giáo có liên quan, công khai những sai phạm để tín đồ và người dân được biết, tạo sự đồng thuận trong đấu tranh, xử lý./.