Nhiều người "sập bẫy" khi mua hàng theo thông tin mà các đối tượng lừa đảo đăng tải trên mạng.
Theo tường trình của anh B. (ngụ quận Bình Thạnh), thông qua trang mạng chotot anh B. biết được số điện thoại của một thanh niên đang cần bán chiếc điện thoại iphone 5S với giá hơn 8 triệu đồng. Do đang có nhu cầu sử dụng nên anh B. liên hệ với người này và nhận được cuộc hẹn vào chiều 11/5, tại khu vực vòng xoay Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) để giao dịch.
Đến nơi, anh B. tiếp tục được người bán điện thoại hẹn lòng vòng qua nhiều địa điểm khác nhau. Cuối cùng, cuộc hẹn được ấn định tại một quán cà phê tại phường 13 (quận Bình Thạnh). Anh B. đã khá cẩn thận khi xem xét kỹ các thông số, nguồn gốc về chiếc iphone 5S. Khi anh B. đồng ý mua chiếc điện thoại này thì đối tượng bán đã dẫn anh B. vào khu biệt thự Bình Lợi và lấy lý do là về nhà lấy phụ kiện theo máy để giao.
Khi đối tượng này trở ra, anh B. một lần nữa kiểm tra lại máy, xác nhận đúng là chiếc điện thoại iphone 5S đã xem trước đó tại quán cà phê. Trong lúc lúi húi lấy tiền ra trả thì đối tượng bán đã nhanh tay đánh tráo chiếc điện thoại dỏm. Chỉ đến khi lấy điện thoại từ hộp ra gắn sim vào, anh B. mới phát hiện đó là điện thoại “đồ chơi”. Lúc này kẻ lừa đảo đã bỏ trốn mất dạng.
Không chỉ anh B. mới sập bẫy những chiêu lừa đinh vi của bọn lừa đảo. Trước đó, anh Vũ Ngọc Đ. (quê Đồng Nai) đưa vợ đi chờ sinh ở bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trong lúc chờ sinh, vợ anh Đ. lên mạng internet thấy có người rao bán điện thoại Iphone 5 giá 7,7 triệu đồng nên bảo anh Đ. đi mua. Anh Đ. gọi vào số điện thoại đăng trên mạng gặp một phụ nữ nghe máy và hứa sẽ kiểm tra lại xem còn hàng không.
Một lúc sau, thanh niên tên Tuấn điện thoại cho anh Đ. thông báo còn hàng và hẹn ra ngã tư 3/2- Lê Hồng Phong nhận máy. Để chắc chắn, anh Đ. đem điện thoại ra cửa hàng của hãng FPT ở ngã tư Sư Vạn Hạnh- 3/2 để kiểm tra và được cho biết là hàng chính hãng. Thấy anh Đ. đã tin tưởng, Tuấn yêu cầu anh Đ. đến quán cà phê đầu hẻm 595, Sư Vạn Hạnh (P.13, Q.10) để giao hàng, nhận tiền. Trên đường đi, Tuấn tráo điện thoại chính hãng thay vào đó là một Iphone dởm trị giá vài trăm ngàn đồng.
Một băng nhóm lừa đảo, đánh tráo iphone xịn thành iphone dỏm ngay trước mặt khách hàng bị công an triệt phá.
Trước những vụ lừa đảo cùng “kịch bản” này, công an các quận, huyện đã “giăng bẫy” triệt phá một số băng nhóm hoạt động chuyên nghiệp, có bài bản.
Gần đây nhất, công an quận Thủ Đức đã đấu tranh triệt phá băng nhóm lừa đảo chuyên bán Iphone dỏm. Ít nhất 5 đối tượng bị bắt gồm: Đặng Vũ Duy (SN 1991), Nguyễn Văn Thành (SN 1989, cùng trú huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Võ Trí Tâm (SN 1983), Phạm Thị Yến Phi (SN 1990, là vợ của Tâm, cùng trú huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và Nguyễn Phong Bảo (SN 1988, trú huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, đều tạm trú quận Gò Vấp, TP.HCM). Đến thời điểm bị bắt, băng nhóm này khai nhận đã thực hiện 13 vụ lừa đảo.
Các đối tượng khai nhận, bọn chúng thường lên các trang mạng như: muaban, chotot… rao bán Iphone 5 Gold và Iphone 6 giá rẻ, chỉ bằng 1/2 giá thị trường. Khi khách hàng gọi điện thoại đến đặt hàng thì đối tượng Phạm Thị Yến Phi hẹn nạn nhân giao dịch ở quán cà phê. Sau đó, qua điện thoại điều nạn nhân di chuyển hết điểm này đến điểm khác.
Khi đã “thăm dò” kỹ khách hàng, tên Duy sẽ lấy điện thoại Iphone thật giao cho khách xem, thậm chí dẫn khách đến cửa hàng mua bán điện thoại để kiểm tra. Sau đó, đối tượng này viện lý do tìm địa điểm thích hợp để giao dịch. Tại đây Duy yêu cầu khách đưa tiền. Khi cho điện thoại vào hộp có chứa thêm phụ kiện để giao thì Duy nhanh tay tráo đổi bằng 1 mô hình điện thoại Iphone của Trung Quốc.
Giao xong gói hàng, Duy nhanh chóng rời khỏi quán cà phê. Nạn nhân sau đó mới kiểm tra, biết bị lừa nhưng đã quá muộn.
Công an quận 10 cũng từng bắt giữ Lầu Văn Tuấn (20 tuổi), Vũ Văn Lộc (23 tuổi, cùng tạm trú P.15, Q.10) Trần Văn Phú (23 tuổi) và Nguyễn Thanh Như Phi Hải (23 tuổi cùng quê Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về các hành vi lừa đảo đánh tráo điện thoại iphone dỏm như trên. Qua đấu tranh, những đối tượng này thừa nhận đã đăng tin rao vặt và trả lời điện thoại để dụ dỗ “con mồi”.
Theo nhận định của công an quận 10, đa số các đối tượng lừa đảo trên mạng đều nhằm vào tâm lý “ham của rẻ” của người dân. Bọn chúng nắm bắt được nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ đang gây “sốt” để tung ra các chiêu lừa đảo hết sức tinh vi.
“Người dân nên thận trọng khi lựa chọn mua hàng qua mạng, trước những thông tin về người bán mập mờ, địa chỉ cụ thể không có, không có số điện thoại bàn, không có hoá đơn chứng từ về nguồn gốc hàng hoá thì không nên mua vào. Đặc biệt, phải hết sức chú ý trong quá trình giao dịch để tránh bị đánh tráo như vụ lừa đảo trên” – Một lãnh đạo công an quận 10 khuyến cáo.