Cảnh giác với hàng giảm giá
Nhằm thu hút khách hàng, hiện nay nhiều cửa hàng ở Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng đã đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá kích thích nhu cầu mua sắm. Các chương trình giảm giá này được đưa ra bằng những tấm biển quảng cáo bắt mắt với nội dung “giảm giá cực sốc”, “bán hàng không lợi nhuận”, “bán hòa vốn”…
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số cửa hàng nằm trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, mặt hàng giảm giá nhiều nhất là điện tử, may mặc và gia dụng…, giảm giá từ 15 - 60%, có nơi còn giảm giá tới 70%, thu hút khá đông khách hàng.
Do ham hàng giảm giá 50% ở đường Nguyễn Tất Thành, TP.Buôn Ma Thuột, chị Oanh ở xã Hòa Đông, huyện Krông Păc (Đăk Lăk) đã mua nhầm phải chiếc áo rách một lỗ lớn ở vai với giá 70 ngàn đồng mà không được đổi lại. Bởi hàng khuyến mại mua là không được đổi, trả vì không có hóa đơn.
Tương tự, anh Quang ở phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột, cho biết: “Trên đường đi làm về thấy cửa hàng giày dép giảm giá ở đường Phan Chu Trinh, tôi ghé mua một đôi với giá 80 ngàn đồng, ai ngờ vừa mang về đi được một lát thì đứt quai. Quan sát thì thấy đây là hàng đã hết hạn sử dụng bởi quai mục, đế bở. Do người bán quy định là miễn đổi, trả lại sau khi mua nên tôi đành chịu mất tiền oan”.
Không chỉ người dân bị lừa vì mua phải hàng giảm giá ở các cửa hàng, nơi có địa chỉ mà còn rất nhiều người bị lừa bán hàng giảm giá chất lượng kém ở những người đi bán dạo. Đó là trường hợp dở khóc, dở cười của chị Tám ở xã Cư Wy, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) khi thấy xe ôtô chở hàng điện tử về tận trung tâm xã bán với “mác” giảm giá 60%, chị đã mua một chiếc nồi cơm điện có nhãn hiệu Sap, với giá 400 ngàn đồng (trong khi hàng ở siêu thị 850 ngàn đồng). Về nấu không được vì cơm bị sống mà không biết người bán ở đâu.
Để tránh gặp phải tình trạng “tiền thật - hàng giả”, người dân ngoài việc lựa chọn những sản phẩm hàng hóa rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, cần lựa chọn những cửa hàng, siêu thị uy tín, đặc biệt phải kiểm tra kỹ mặt hàng trước khi mua.