Hiệu quả được ghi nhận
Năm 2021, Công ty TNHH MTV 688 (xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình) được hỗ trợ thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc”. Công ty đã đầu tư 1 nồi hấp chế biến tre, trúc Model NH1200/4N, áp suất thiết kế 4bar, dung tích 3m3, xuất xứ Việt Nam và là máy mới 100%. Hệ thống thiết bị mới được đưa vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu chế biến sản phẩm, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương.
Hoạt động sản xuất của cơ sở CNNT được nâng cao nhờ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến |
Chia sẻ với phóng viên Vuasanca , ông Nguyễn Quang Quyền - Giám đốc Công ty TNHH MTV 688 - cho hay: Cây trúc sào là đặc sản của Cao Bằng, được trồng nhiều tại huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông. Sản phẩm làm từ cây trúc sào đặc biệt tốt, có thời gian sử dụng lên tới hàng chục năm. Ưu điểm đó kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến giúp sản phẩm từ trúc sào của doanh nghiệp được người tiêu dùng trong nước tin dùng. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Quyền, trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, sản lượng của doanh nghiệp đạt khoảng 100.000 chiếc chiếu/năm, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, tuy sản lượng chưa nhiều nhưng người tiêu dùng bắt đầu quen với sản phẩm, rất có triển vọng gia tăng kim ngạch.
Tương tự, Hợp tác xã Đồng Tiến cũng được đổi mới sản xuất thông qua đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến sản xuất tinh dầu”. Đề án thuộc kế hoạch khuyến công địa phương năm 2021, kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng. Thiết bị được hỗ trợ đầu tư là 1 bộ thiết bị chưng cất tinh dầu, công suất 5 tấn tinh dầu/năm, xuất xứ Việt Nam. Thiết bị mới sau khi đưa vào vận hành đã giúp đối tượng thụ hưởng tăng năng suất, giải quyết việc làm cho trên 10 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/ tháng.
Công ty TNHH MTV 688 và Hợp tác xã Đồng Tiến là 2 trong số nhiều cơ sở CNNT được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Cao Bằng hỗ trợ đổi mới sản xuất thông qua nguồn vốn khuyến công. Theo số liệu từ trung tâm, năm 2021 khuyến công Cao Bằng được phê duyệt 7 đề án, kinh phí 1,35 tỷ đồng. Trong đó 100% đề án khuyến công địa phương và đề án khuyến công quốc gia thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Tuy nhiên, 1 đề án khuyến công quốc gia phải tạm dừng triển khai do đơn vị thụ hưởng chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư.
Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ
Với hiệu quả đã được chứng minh, hỗ trợ đổi mới sản xuất là nội dung được trung tâm tiếp tục ưu tiên thực hiện trong năm 2022. Theo đó, trung tâm dự kiến thực hiện 7 đề án khuyến công địa phương, kinh phí 850 triệu đồng. Trong đó 4/7 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong các lĩnh vực bảo quản nông sản, sản xuất miến dong, sản xuất sản phẩm từ gỗ và in ấn. Cũng nội dung này, trung tâm dự kiến thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia, kinh phí 900 triệu đồng.
Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả các đề án, trung tâm xác định tăng cường đi khảo sát tại các huyện để hỗ trợ cho đối tượng có đầu tư mở rộng sản xuất; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ sở CNNT và đề xuất chương trình hỗ trợ cho phù hợp.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Cao Bằng đã hoàn thành, đạt hiệu quả cao nhiệm vụ năm 2021 với nhiều đề án thuộc nội dung khuyến công, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng. |