Cấp thiết ban hành Luật Phí và lệ phí
Tháng 4/2014, tại phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí do Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến tháng 4/2014, chỉ có 301 khoản phí và lệ phí nằm trong danh mục quy định, trong đó có trên 280 khoản phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng, trên thực tế, có tới 432 loại phí, lệ phí được ban hành ở các cấp khác nhau, người nông dân đang phải gánh tới... 93 loại phí, lệ phí. Doanh nghiệp hàng ngày phải đối mặt với nhiều loại phí chính thức và không chính thức. Đối với phí chính thức, đáng kể có phí chồng phí đường bộ như phí bảo hiểm xe, phí cầu đường, phí xăng dầu...
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, người dân và doanh nghiệp đang gánh chịu nặng nề tình trạng lạm thu hàng trăm loại phí. Việc lạm thu phí, lệ phí diễn ra từ thành thị tới nông thôn khiến người dân gánh vô số khoản phí khác nhau như phí khuyến học, phí phòng chống thiên tai, phí an ninh, phí chung cư…
Pháp lệnh về phí và lệ phí ban hành từ năm 2001. Từ đó đến nay, nền kinh tế đã có những thay đổi rất cơ bản. Hội nhập kinh tế quốc tế đã sâu hơn và toàn diện hơn. Hơn nữa, pháp lệnh đã không được thực thi nghiêm túc từ thẩm quyền quy định về phí, lệ phí đến bản chất của phí và lệ phí. Rất nhiều khoản thu vô lý được “dán nhãn” phí và lệ phí, các doanh nghiệp là người trực tiếp “chịu trận” và cuối cùng là người dân phải gánh chịu. Vì vậy, đã đến lúc phải “nâng cấp” pháp lệnh thành một bộ luật về phí, lệ phí để phù hợp với thực tiễn.
Pháp lệnh về phí và lệ phí ban hành từ năm 2001. Từ đó đến nay, nền kinh tế đã có những thay đổi rất cơ bản. Đã đến lúc phải “nâng cấp” pháp lệnh thành một bộ luật về phí, lệ phí để phù hợp với thực tiễn. |
Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chủ trì trong việc soạn thảo Luật Phí và lệ phí. Sẽ có rất nhiều vấn đề cần bàn, cần làm rõ trong đạo luật này. Song, những nội dung cơ bản, quan trọng nhất là: Làm rõ thế nào là phí và lệ phí? Sự khác nhau giữa phí, lệ phí với giá cả hàng hóa dịch vụ? Sự khác nhau giữa phí, lệ phí với các loại thuế gián thu? Phương pháp xác định phí, lệ phí? Thẩm quyền quy định về phí, lệ phí?... Có thể khẳng định rằng, Luật Phí và lệ phí chỉ có sức sống trong thực tế, góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực phí và lệ phí khi giải quyết một cách triệt để, khách quan về những vấn đề nêu trên.
Lập lại trật tư trong lĩnh vực phí và lệ phí là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Bởi lẽ, dù cải cách thủ tục hành chính được thực hiện triệt để nhưng các doanh nghiệp cũng khó có thể vươn lên, vượt qua khó khăn nếu vẫn phải gồng mình gánh chịu những loại phí, lệ phí vô lý như hiện nay.