Ngăn chặn nạn “chặt chém” du khách, không để ùn tắc giao thông dịp giỗ Tổ Hùng Vương Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh lên tiếng sau vụ du khách Đài Loan bị người bán dừa "chặt chém" |
Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành du lịch đang dần phục hồi khi chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 8 triệu lượt khách quốc tế, về đích trước 3 tháng so với mục tiêu của ngành du lịch đặt ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp kinh doanh “chộp giật”, “chặt chém” trong hoạt động du lịch. Điều này không chỉ gây bức xúc cho du khách mà còn ảnh hưởng lớn hình ảnh du lịch Việt Nam.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh nữ du khách Niu Niu người Đài Loan tố chiêu thức "chặt chém" du khách của người bán dừa hàng rong.
Trong clip, nữ TikToker cho hay mình đang ở Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và sẽ cho mọi người thấy những người bán dừa ở đây họ lừa khách du lịch thế nào. Sau đó, cô gái đi trên vỉa hè đoạn xung quanh bảo tàng, có một người đàn ông gánh thùng xốp tiếp cận cô bắt chuyện, chỉ đường. Ngay sau đó, ông này lấy trong thùng xốp ra một trái dừa báo giá 150.000 đồng.
Sau khi nữ TikToker này xác nhận lại thì người bán nhanh chóng hạ giá xuống còn 50.000 đồng/quả. Tuy nhiên, nữ TikToker này đã chê đắt và bỏ đi.
Trong clip còn có 2 khách du lịch khác đang chờ hai thợ đánh giầy dạo (1 người lớn, 1 trẻ nhỏ). Hai du khách này cũng kể lại câu chuyện bị ép đánh giày với nữ TikToker . Một du khách kể: "Họ đã cởi giày của tôi ra, chúng tôi không có thời gian để phản ứng vì đang loay hoay với người bán dừa. Chúng tôi đã mắng họ và đưa cho cậu bé đó 50.000 đồng. Ban đầu, họ ra giá đánh giày 350.000 đồng...".
Nhiều người bán hàng rong liên tục "chặt chém" du khách. Ảnh minh họa |
Liên quan đến vấn đề này, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin đơn vị đang tiến hành rà soát, kiểm tra thông tin nêu trên. Đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra tại các điểm du lịch, các di tích, bảo tàng của thành phố. Hiện ở các điểm đến du lịch, TP. Hồ Chí Minh có bố trí lực lượng thanh niên xung phong để hướng dẫn, hỗ trợ du khách kịp thời. Tuy nhiên, do số lượng điểm đến hiện nay khá nhiều nên lực lượng kiểm tra không thể nào đảm bảo kiểm soát hoàn toàn.
Trước đó không lâu, tại Chợ Bến Thành - một điểm du lịch nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh cũng xảy ra tình trạng chặt chém khách du lịch khi một du khách người Nhật bị tiểu thương chợ Bến Thành hét giá 700.000 đồng cho 3 đôi tất.
Theo đó, anh Kazuki Matsumoto - du khách người Nhật Bản đã ghé một sạp hàng trong chợ Bến Thành để tìm mua 3 đôi tất màu đen và được báo giá 250.000 đồng/đôi, 3 đôi giảm còn 700.000 đồng. Anh đã bất ngờ và liên tục xác nhận lại giá tiền với người bán, có phải thật sự 700.000 đồng cho 3 đôi tất.
Sau đó du khách này trả giá xuống còn 60.000 đồng, người bán không chịu và giảm xuống còn 150.000 đồng cho 3 đôi. Tuy nhiên, khi anh Kazuki Matsumoto quả quyết quay đi thì người bán này liên tục chèo kéo và đồng ý với giá 60.000 đồng.
Thực tế, không chỉ TP. Hồ Chí Minh, nhiều điểm đến của Việt Nam cũng đã xảy ra tình trạng này. Đáng chú ý, không chỉ người bán hàng rong hay tiểu thương nhỏ lẻ, mà ngay cả những doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt cũng “nhắm mắt làm liều”. Thậm chí, đã không ít trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý và công bố rộng rãi, nhưng tình trạng “chặt chém” du khách vẫn diễn ra, đặc biệt là vào những mùa du lịch cao điểm như dịp hè, nghỉ lễ...
Xét cho cùng, vấn nạn "chặt chém", chèn ép du khách bắt nguồn từ thực tế đời sống nước ta còn khó khăn, nhiều chính sách chưa bao quát được hết các thành phần xã hội, khiến nhiều người còn khó khăn nên phải làm như vậy để kiếm kế sinh nhai.
Bên cạnh đó, một số hình thức kinh doanh du lịch ở nước ta chỉ xuất hiện một cách "tự phát", người cung cấp dịch vụ thường có tâm lý "ăn xổi ở thì", muốn kiếm lợi nhuận trước mắt chứ không quan tâm đến lợi ích dài lâu.
Hệ lụy lâu dài của vấn đề này sẽ dẫn đến việc một bộ phận du khách nước ngoài và cả trong nước "một đi không trở lại" với các điểm đến du lịch thường xuyên xảy ra vấn nạn "chặt chém".
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, bên cạnh việc xử lý theo quy định, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đề xuất đưa ra công việc làm ăn phù hợp hơn cho họ. Cộng đồng cần chung tay quan tâm chia sẻ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội cải thiện cuộc sống bằng việc làm lương thiện, kiếm thu nhập chính đáng. Từ đó mới có thể xóa bỏ được tình trạng "chặt chém", và ngành du lịch nói chung mới phát triển bền vững.