Chiến sự Nga - Ukraine 25/1: Nga nói vẫn còn nhiều vũ khí, Đức, Mỹ sắp cung cấp xe tăng cho Ukraine Chiến sự Nga - Ukraine 26/1: Mỹ và Đức ra quyết định quan trọng, Ukraine thừa nhận rút khỏi Soledar |
Thông tin chiến sự
Ukraine tuyên bố bắn hạ 47 tên lửa Nga. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi cho biết, nước này đã bắn hạ 47 trong số 55 tên lửa mà Nga phóng đi trong đợt không kích ngày 26/1. Tướng Zaluzhnyi nói, 20 quả trong số các tên lửa bị bắn rơi lúc đó đang bay về khu vực Kiev. “Mục tiêu của Nga không thay đổi: gây áp lực tâm lý với Ukraine và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta không thể bị bẻ gẫy”, ông Zaluzhnyi nói.
Một phát ngôn viên của cơ quan các dịch vụ khẩn cấp Ukraine cho biết, tổng cộng có 11 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong các cuộc tấn công từ trên không và trên biển ngày 26/1 của Nga. Mục tiêu của các cuộc tấn công chủ yếu là các nhà máy điện và trạm biến áp. Nhiều vụ nổ lớn đã làm rung chuyển Kiev lúc 10h06 sáng qua và còi báo động không kích vang khắp đất nước Ukraine.
Theo tuyên bố của đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tại hướng Kupyansk, các lữ đoàn cơ giới số 14 và 92 của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở các khu định cư Sinkovka, Timkovka của vùng Kharkov và Novoselovskoye LPR đã bị tiêu diệt.
Theo hướng Krasnolimansky, các đơn vị của lữ đoàn tấn công trên không 25 và 95 của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bị đánh bại trong khu định cư Yampolovka của DPR, cũng như lâm nghiệp Serebryansky.
Ở hướng Donetsk, các đơn vị của nhóm lực lượng phía Nam đã chiếm được các tuyến và vị trí thuận lợi hơn trong các chiến dịch tấn công. Một kho đạn pháo của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị phá hủy gần làng Konstantinovka ở DPR. Hơn 40 quân nhân Ukraine, 1 xe chiến đấu bộ binh, 2 khẩu Grad MLRS, 1 pháo tự hành M109 Paladin do Mỹ sản xuất, 2 khẩu pháo D-20 và Giacint-B đã bị phá hủy theo hướng này.
Ở các hướng Yuzhno-Donetsk và Zaporozhye, đối phương đã bị thiệt hại do hỏa lực tại các khu vực định cư của Ugledar DPR, Pavlovka và Levadnoe của vùng Zaporozhye.
Một số diễn biến liên quan
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hành động của các nước phương Tây liên quan đến Ukraine là sự can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Theo ông Peskov, việc các nước phương Tây gửi các hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm cả xe tăng chiến đấu hiện đại tới Ukraine là hành động can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây gần đây tăng cường cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine, trong đó Mỹ và Đức tuyên bố sẽ cung cấp nhiều xe tăng chiến đấu hạng nặng cho Kiev. Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng, “Nga không có kế hoạch thay đổi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina liên quan đến việc phương Tây cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine”.
Xe tăng của Anh dự kiến đến Ukraine vào tháng 3. Quan chức hàng đầu phụ trách mua sắm vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Anh Alex Chalk cho biết London kỳ vọng xe tăng Challenger 2 mà họ gửi cho Ukraine sẽ đến nước này vào cuối tháng 3. Ông Chalk cho biết, từ nay đến lúc đó, các lực lượng Ukraine sẽ được đào tạo chuyên sâu về cách vận hành và bảo dưỡng các phương tiện trên. Trước đó, Anh thông báo sẽ gửi 14 xe tăng chiến đấu chủ lực, cùng với hỗ trợ pháo binh bổ sung tới Ukraine.
Nga, Ukraine từ chối đối thoại. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc phỏng vấn với báo giới ngày 26/1 nói rằng ông không quan tâm đến việc gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin để đối thoại hòa bình. Đáp lại tuyên bố của ông Zelensky, phát ngôn viên Peskov của Điện Kremlin nói rằng tổng thống Ukraine không còn là người đối thoại cùng Tổng thống Putin từ lâu.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand ngày 26/1 cho biết, nước này sẽ gửi 4 xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine, sau khi Đức cho phép các quốc gia khác tái xuất khẩu loại xe tăng do họ sản xuất. Dự kiến có 300 xe tăng do Đức chế tạo sẽ được Canada, Phần Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Na Uy cung cấp cho Ukraine. Phát biểu trước các phóng viên ở Ottawa, bà Anita Anand nói: “Khoản quyên góp này, cùng với những đóng góp của các đồng minh và đối tác, sẽ giúp ích đáng kể cho các lực lượng vũ trang Ukraine”.
Mỹ coi Wagner là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Chính quyền Mỹ hôm 26/1 chính thức xếp công ty quân sự tư nhân Wagner Group của Nga vào danh sách tổ chức tội phạm xuyên quốc gia vì giúp đỡ chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Theo đó, tài sản của Wagner tại Mỹ sẽ bị đóng băng và người Mỹ bị cấm liên hệ, giao dịch với tổ chức này.
Ngoài ra, Mỹ còn cấm vận một số cá nhân, tổ chức liên quan Wagner và những người liên quan ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Đồng thời, Mỹ đã mở rộng các lệnh trừng phạt lên tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, liên quan tới vai trò của công ty tư nhân này ở Ukraine cũng như các hoạt động khác ở châu Phi. Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra các tuyên bố phối hợp nhắm vào hàng chục chi nhánh của Wagner hoạt động tại châu Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 18 cá nhân và thực thể Nga. Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các thực thể và cá nhân Nga. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) đang thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm làm suy yếu khả năng của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các biện pháp hạn chế được cho là nhằm vào các cơ sở hỗ trợ chiến dịch này, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí, các doanh nghiệp sửa chữa tàu, những người liên quan đến việc quản lý các khu vực đã được sáp nhập vào Nga cùng các thực thể và cá nhân có liên quan đến công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga. Tổng cộng có 6 cá nhân và 12 thực thể nằm trong diện trừng phạt lần này.