Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS News, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố, Kiev sẵn sàng bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga mà không cần đi đến biên giới năm 1991.
Trước đó, Ukraine thường đặt quan điểm phải giành lại kiểm soát biên giới năm 1991 là điều kiện tiên quyết để bắt đầu đối thoại với phía Nga. Do đó, Ukraine trên thực tế đã từ chối bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, yêu cầu trả lại bán đảo Crimea và vùng Donbass, các khu vực vốn tự nguyện sáp nhập vào Nga.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã thừa nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sẵn sàng đối thoại nếu Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) chấp nhận thực tế về lãnh thổ năm 2022. Đồng thời, ông Volodymir Zelensky nhấn mạnh rằng kết quả như vậy không chỉ đòi hỏi các bước đi quân sự từ phía Kiev mà còn đòi hỏi “một cuộc phong tỏa thương mại hoàn toàn của Nga với phần còn lại của thế giới”.
Tổng thống Ukraine chấp nhận nối lại đàm phán hòa bình với Nga mà không cần các điều kiện tiên quyết. Ảnh: Reuters |
“Chiến thắng có nghĩa là giúp Ukraine giành chiến thắng về kinh tế, vững mạnh trên chiến trường và giúp đỡ về mặt chính trị. Chúng tôi sẽ không cần phải giành kiểm soát tất cả các lãnh thổ của mình chỉ bằng biện pháp quân sự”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Năm 2022, Tổng thống Volodymir Zelensky đưa ra “công thức hòa bình”, bao gồm các điều kiện tiên quyết là khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine, ông còn yêu cầu nhà nước phải đảm bảo an ninh, đảm bảo an toàn bức xạ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, mở rộng thỏa thuận ngũ cốc và đưa ra mức giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga.
Vào tháng 2/2024, Tổng thống Ukraine công bố về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế theo công thức của Kiev tại Thụy Sĩ. Ông Volodymir Zelensky nói rõ rằng lời mời đã được gửi tới ít nhất 160 quốc gia “có nguyên tắc” ủng hộ Ukraine.
Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng công thức hòa bình của ông Volodymir Zelensky dựa trên những yêu cầu xa rời thực tế. Bà nhấn mạnh rằng một giải pháp hòa bình toàn diện và bền vững cho Ukraine chỉ có thể thực hiện được thông qua con đường hướng tới trạng thái trung lập, không liên kết và phi hạt nhân.
Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov thậm chí còn gọi hội nghị thượng đỉnh sắp tới là “các cuộc họp mặt” sẽ không dẫn đến bất kỳ kết quả đáng nghi nhận nào.
Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, nếu không có sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, quân đội nước này sẽ phải bắt đầu rút lui. Ông Volodymir Zelensky giải thích: “Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không có hệ thống phòng không, tên lửa Patriot, thiết bị gây nhiễu điện tử, đạn pháo 155 mm”.
Và đương nhiên là AFU sẽ không trụ nổi trước các đòn tấn công chủ động của nga và dần phải rút lui “từng bước một”.
Tổng thống Ukraine thừa nhận rằng Mỹ không hài lòng với các cuộc tấn công của Kiev vào các nhà máy lọc dầu của Nga và các cơ sở khác của tổ hợp nhiên liệu và năng lượng. Theo đó, phản ứng của Washington trước những hành động như vậy của AFU “không tích cực”. Đồng thời, ông này nhấn mạnh rằng trong các cuộc tấn công đột kích nhằm vào lãnh thổ Nga, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái do họ tự phát triển và chế tạo.
“Không ai có thể nói với chúng tôi rằng chúng tôi không thể làm gì”, ông Volodymir Zelensky khẳng định.
Trong bối cảnh nguồn viện trợ quân sự cung cấp quân sự cho Kiev đang cạn kiệt, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đánh giá Mỹ nên chuyển hỗ trợ quân sự cho Kiev theo hình thức tín dụng, chứ không phải miễn phí. Chính quyền Ukraine coi ý tưởng này là xúc phạm và không thực tế.
Liên quan tới cuộc xung đột, Quân đội Nga tiếp tục mở rộng các đòn tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, đặc biệt là năng lượng. Theo báo cáo của công ty năng lượng Centerenergo, nhà máy Nhiệt điện Zmievskaya (TPP) ở vùng Kharkov đã bị phá hủy hoàn toàn sau một đòn tấn công tên lửa của Nga.
Các nhà máy điện tại Ukraine đang bị tấn công và phá hủy có hệ thống. Ảnh: Getty |
Đại diện Centerenergo cho biết thêm: “Mức độ phá hủy khác nhau, từ hoàn toàn đến đáng kể”. Hiện doanh nghiệp chưa tiếp cận được hầu hết thiết bị, đống đổ nát đang được dọn dẹp.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko đã báo cáo thiệt hại quy mô lớn đối với các cơ sở năng lượng. Các cơ sở sản xuất, hệ thống truyền tải và phân phối ở các khu vực khác nhau đã bị phá hủy. Điều này khiến nhiều khu vực của Ukraine phải cắt điện luân phiên, thậm chí mất điện cục bộ.