Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn nhiều khó khăn |
Số người tham gia mới còn hạn chế
BHXHTN là loại hình BHXH do nhà nước tổ chức, người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Kể từ năm 2008, với ý nghĩa về mặt an sinh xã hội, chính sách BHXHTN đã từng bước thay đổi, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn nhằm khuyến khích người dân tham gia.
Báo cáo từ Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho thấy, trong năm đầu thực hiện chính sách BHXHTN, cả nước có 6.110 người tham gia; đến năm 2015 tăng lên 225.240 người; con số này đạt 291.000 người tham gia tính đến hết năm 2017. Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, mặc dù đối tượng tham gia tăng nhưng số người tham gia BHXHTN mới còn hạn chế. Đối tượng tham gia BHXHTN chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc (70%), đóng tiếp BHXHTN để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Như vậy, tổng chung cả BHXH bắt buộc và TN năm 2017 khoảng trên 25% lực lượng lao động.
Nguyên nhân người dân chưa mặn mà với BHXHTN là do thu nhập thấp, không ổn định, không thường xuyên; công tác tuyên truyền chính sách chưa sâu, quy định mức đóng thiếu linh hoạt; chính sách BHXHTN chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, quy định thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu phải từ đủ 20 năm trở lên và có tuổi đời 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ còn quá dài; chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất…
Đặc biệt, người tham gia BHXHTN được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với mức chuẩn nghèo hiện nay là 700.000 đồng, mức đóng BHXHTN theo chuẩn nghèo là 22% của 700.000 đồng, mức hỗ trợ theo các tỷ lệ nêu trên vẫn rất thấp.
Cần chính sách đồng bộ, toàn diện
Với những bất cập đang tồn tại của chính sách BHXHTN, lộ trình thực hiện mục tiêu đạt 3 triệu người tham gia vào năm 2020 được cho là thách thức rất lớn. Không chỉ vậy, để thực hiện mục tiêu tổng quát đưa BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân cũng khó khăn hơn.
Để giải quyết vấn đề này, cần gỡ bỏ các rào cản hiện nay của chính sách BHXHTN. Ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) - cho rằng, phải tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi linh hoạt những điểm bất cập của chính sách BHXHTN trong quá trình tổ chức thực hiện; sửa đổi, bổ sung về hưởng BHXH một lần; bổ sung chỉ tiêu số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng vào diện bao phủ BHXH…
Với mục tiêu phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập theo nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, tin cậy, minh bạch, ông Mai Đức Thắng cho biết, BHXH Việt Nam đã đưa ra một số các giải pháp thực hiện. Theo đó, tổ chức thực hiện tốt chế độ BHXHTN có sự hỗ trợ của nhà nước; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời; tạo điều kiện để người lao động tiếp cận dịch vụ BHXH qua việc đa dạng dịch vụ, đóng hưởng; đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu BHXH từ trung ương đến địa phương, thuận lợi cho người dân truy cập thông tin cá nhân và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH…
Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXHTN; chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXHTN trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội… |