Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn - phát biểu tại diễn đàn |
Cả nước có 34 khu nông nghiệp ứng dụng CNC
Ông Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) - cho biết: Tính đến hết năm 2015, cả nước có 34 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã và đang được quy hoạch xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Ngoài ra, một số địa phương cũng đang phát triển các khu/cụm nông nghiệp CNC mà chưa kịp đăng ký hoặc công bố chính thức.
Chia sẻ về thực trạng phát triển nông nghiệp CNC trong nông nghiệp, ông Nguyễn Anh Phong cho hay, đối với lĩnh vực trồng trọt đã thực hiện thủy canh, màng dinh dưỡng, cấy mô, chế phẩm sinh học, tưới nước khoa học… Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ sinh học và quy trình sản xuất hiện đại như công nghệ chuyển gen và phương pháp chỉ thị phân tử; phương pháp cắt phôi và thụ tinh trong ống nghiệm... Trong lĩnh vực thủy sản, lai tạo để có các giống thủy sản mới; công nghệ sinh học để sản xuất cá đơn tính; nuôi siêu thâm canh bằng hệ thống tuần hoàn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Anh Phong cho rằng, việc phát triển nông nghiệp CNC thời gian qua còn nhiều tồn tại, khó đạt được mục tiêu của Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020. Cụ thể: mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phải có từ 7-10 DN, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; mỗi vùng sinh thái có từ 1-3 khu nông nghiệp ứng dụng CNC; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt từ 30-35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính quyền địa phương chưa vào cuộc vì vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu nông nghiệp ứng dụng CNC rất lớn, giải phóng mặt bằng khó. DN chưa mặn mà do nguồn vốn thấp khó có thể tham gia đầu tư nông nghiệp CNC…
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển nông nghiệp CNC thời gian qua còn khiêm tốn là do chính sách chưa đủ mạnh hoặc khó áp dụng. Theo đó, về đất đai, không có diện tích đất lớn, chi phí thuê và quản lý đất cao do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ, đầu tư tài sản lớn trên đất không được đảm bảo khi nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhà nước thiếu nguồn lực thực hiện, đặc biệt là hạ tầng cho CNC. Thị trường khoa học công nghiệp chưa vận hành. Còn nhiều mức thuế khác nhau về các quy định miễn, giảm, thủ tục xác định được miễn giảm phức tạp gây phiền hà cho DN. Đối với chính sách về tín dụng, cách tiếp cận nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin cho. Quy định về đối tượng, địa bàn hưởng lợi từ chính sách tín dụng thiếu linh hoạt, không hợp lý, các thủ tục vay phức tạp, hình thức tín dụng còn hạn chế…
Nhiều kiến nghị về chính sách được đưa ra
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập báo Kinh tế nông thôn - nhấn mạnh, ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020. Tuy vậy, vì nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan, việc triển khai đề án gặp nhiều khó khăn. Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chỉ có phát triển nông nghiệp CNC với sự tham gia tích cực của DN thì nông nghiệp Việt mới có thể mang lại kết quả tích cực, nhất là mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC, theo các chuyên gia, cần có những đổi mới về chính sách. Cụ thể, đối với chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, việc quy hoạch đất cho nông nghiệp ứng dụng CNC cần dựa trên cân đối cung cầu, lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội và khả năng đầu tư, giữa thực trạng và dự báo tương lai, ưu tiên đặc biệt cho các khu nông nghiệp ứng dụng CNC cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia. Ưu tiên phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các khu vực quy hoạch dài hạn dành cho nông nghiệp ứng dụng CNC. Xây dựng thí điểm các khu CNC theo hình thức chọn một DN trụ cột đầu tư, làm quy hoạch, quản lý chung và đầu tư một số cơ sở hạ tầng, sau đó một số nhà đầu tư thứ cấp tham gia, nhà nước chỉ làm đối tác công tư (PPP) đầu tư một phần nhỏ.
Đối với chính sách tín dụng, về đối tượng được hưởng chính sách, cần có bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đối với DN, hợp tác xã, hộ gia đình. Về địa bàn được hưởng chính sách, không giới hạn khu vực cố định để hỗ trợ DN CNC, chỉ cần đảm bảo đúng quy hoạch, đúng đối tượng. Áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại từ 0,5 - 1,5% vừa đảm bảo khuyến khích DN, vừa đảm bảo cho các ngân hàng thương mại vận hành theo cơ chế thị trường. Mở rộng các loại tài sản được thế chấp vay vốn bao gồm tài sản hình thành trên đất do đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC (trang trại, nhà kính…).
“Phát triển nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu, hiện Việt Nam cũng đã có nhiều mô hình nông nghiệp CNC xuất hiện nhưng chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, cần giải pháp tháo gỡ đồng bộ”, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam Ngô Thế Dân nhấn mạnh.