Ngày 21/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội đã tới thăm vùng trồng cà phê tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La thành phố Sơn La và dự Lễ khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La. Đây là các sự kiện năm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc với bà con vùng trồng cà phê tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La (Ảnh: Lâm Hiển) |
Trực tiếp tới thăm vùng trồng cà phê tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ân cần hỏi thăm về quy trình trồng, chế biến tiêu thụ cà phê, cũng như đời sống của bà con trồng cà phê trong vùng. Đồng thời, bày tỏ vui mừng khi đời sống của bà con các dân tộc đã có bước cải thiện đáng kể từ chính các cây ăn quả thương hiệu tại Sơn La, nhất là cây cà phê.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị chính quyền thành phố Sơn La và tỉnh Sơn La quan tâm các hộ nghèo, gia đình chính sách, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thăng thu nhập cho bà con địa phương ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng và quảng bá thương hiệu cà phê. Chú trọng phát triển năng suất, sản lượng nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến, coi trọng bảo tiêu sản phẩm, từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê cho bà con.
Cũng trong ngày 21/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội đã tới dự Lễ khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La (Ảnh: Lâm Hiển) |
Nhà máy chế biến cà phê Sơn La được khởi công xây dựng tháng 7/2023, với công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm (tương đương 12.500 tấn cà phê nhân/năm với 02 dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ giữa dây truyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn).
Việc khánh thành, đưa nhà máy vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình trồng cà phê, các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững; gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Trước đó, tối 20/10, tại Quảng trường Tây Bắc, tỉnh Sơn La, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ nhất với chủ đề ''Arabica Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc".
Sự kiện này ghi dấu hành trình 70 năm cà phê Sơn La từ loại cây cải thiện sinh kế đến thương hiệu đặc sản vươn ra thế giới được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Lễ hội cà phê Sơn La |
Với điều kiện tự nhiên vô cùng phong phú, Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế và động lực phát triển, đặc biệt là nền nông nghiệp với đa dạng các loại cây ăn quả.
Trải qua nhiều thăng trầm, với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo của người trồng cà phê, và sự vào cuộc của hệ thống chính trị của tỉnh, cây cà phê chè - Arabica đã sinh trưởng và phát triển tốt.
Diện tích cây cà phê của tỉnh Sơn La từ 278 ha năm 1990 phát triển lên trên 20.000 ha năm 2023 (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica cả nước và có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước); sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi, giá trị ước đạt trên 2.045 tỷ đồng.
Sản phẩm Cà phê Sơn La được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN; nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê.