Năm 2019, cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia nhận được sự tham gia nhiệt tình của hàng nghìn các bạn thanh niên, sinh viên sau 9 tháng phát động. Gần 270 dự án đạt giải cao của gần 40 trường đại học và gần 30 tỉnh thành được tuyển chọn từ các cuộc thi trên cả nước đã gửi về Ban tổ chức để tham dự vòng Chung khảo toàn quốc. Giống như năm 2018, năm nay Hà Nội giành vẫn giành vị thế đứng đầu trong số địa phương có nhiều dự án tham dự, tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh. Một số địa phương khác, sau nhiều năm không có dự án thì năm nay lại được ghi nhận tham gia như Tây Ninh, Yên Bái…
Tại vòng Chung kết cuộc thi diễn ra ngày 19/12, 6 dự án có số điểm cao nhất của các bạn sinh viên đã cùng tranh tài để tìm ra giải Nhất, Nhì, Ba.
Vòng chung kết cuộc thi diễn ra chiều 19/12 |
Theo ông Nguyễn Tự Hồng Quân - Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm Nhân Hòa - một trong số các vị giám khảo của vòng loại năm nay, các dự án năm nay đã có sự đổi mới, tập trung nhất định vào công nghệ, cố gắng cống hiến để đưa công nghệ vào phát triển đất nước. Tuy nhiên đa số đều có xu hướng chia sẻ giống như nền tảng của nền kinh tế chia sẻ, dẫn đến chưa thấy có sự đột phá. Nhiều dự án còn mang nặng tư duy đi thi quá nhiều mà thiếu đi sự tập trung vào thực tế. Ông Quân cho rằng, trước tiên để một dự án khởi nghiệp thành công thì ý tưởng rất quan trọng, nhưng cũng phải có cái nhìn nhận thực tế.
Đánh giá về cuộc thi năm nay, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị chỉ đạo cuộc thi - cho biết, năm 2019, trong bối cảnh các hoạt động khởi nghiệp trên toàn quốc tiếp tục sôi động, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã có nhiều đổi mới về nội dung để phù hợp với xu thế. Đáng chú ý, năm 2019 là năm thứ hai triển khai dự án “Thúc đẩy Khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực để khởi sự kinh doanh thành công”.
Do đó, các hoạt động khởi nghiệp được thực hiện đa dạng, tập trung vào đào tạo, huấn luyện, tư vấn, truyền thông như đào tạo giảng viên nguồn TOT, tập huấn và huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tư vấn – hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, năm 2019, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia tập trung triển khai 02 nhiệm vụ thuộc đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Nhiệm vụ đầu tiên là Nâng cao năng lực, xây dựng mạng lưới và hỗ trợ hoạt động của huấn luyện viên/ cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với việc tổ chức 5 khóa tập huấn và bồi dưỡng kỹ năng cố vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (2 giai đoạn) cho các đối tượng học viên là doanh nhân và giảng viên đại học tại 5 tỉnh, thành (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Nghệ An). Nhiệm vụ thứ hai là truyền thông, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để kiểm nghiệm và phát triển thị trường.
Được biết, ngay sau khi cuộc thi kết thúc, Ban tổ chức sẽ tổ chức Festival Khởi nghiệp để trao giải cho các dự án xuất sắc nhất Cuộc thi Khởi nghiệp 2019; đồng thời tổ chức chào đầu tư cho các dự án cam kết sẽ triển khai thực tiễn tại Festival Khởi nghiệp 2020 dự kiến được tổ chức ngày 10/1/2020 tại Hà Nội.
Bước sang năm 2020, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia với mục tiêu hoàn thiện cho mình hệ sinh thái khởi nghiệp riêng nhằm tạo ra những dự án khởi nghiệp hoạt động hiệu quả hứa hẹn có nhiều sự kiện sôi nổi. Đồng thời, trong năm 2020 Ban tổ chức sẽ triển khai nhiều nội dung chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự phối kết hợp từ tổ chức Quốc tế. |