Sửa đổi thông tư quỹ đầu tư chứng khoán: Đừng gây khó quỹ đầu tư Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký Quy chế phối hợp trong nhiều hoạt động |
Cải cách môi trường kinh doanh đang có xu hướng chững lại
Chia sẻ tại sự kiện về pháp luật kinh doanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết: Từ năm 2019, nhất là từ năm 2020 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030 |
Là một luật sư có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được nhắc đến nhiều, nhưng vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Vuasanca , nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng bày tỏ những vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó nêu ra những khó khăn về thủ tục cấp phép và hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương có sự thiếu thống nhất.
Cụ thể, theo ông Hà Gia Kế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời cũng là nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam cho biết: Cùng là một thủ tục, nhưng mỗi địa phương lại áp dụng một kiểu, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030. Mục tiêu của dự thảo là cắt giảm hoặc chuyển sang hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động đối với tối thiểu 30% giấy phép trong trường hợp cấp mới, cấp lần đầu và 60% giấy phép trong trường hợp điều chỉnh, sửa đổi, cấp lại.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: ST |
Bổ sung về tỷ lệ % cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Nghị quyết Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030 đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng về cắt giảm giấy phép kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các nhiệm vụ thúc đẩy cải cách hành chính về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục và đổi mới phương thức thực hiện thủ tục hành chính.
Cũng theo đánh giá của VCCI, những nội dung tại Dự thảo đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong hoạt động cải cách và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết và kỳ vọng những tác động tích cực của Nghị quyết vào môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc lại một số vấn đề. Cụ thể, theo VCCI, về mục tiêu chung, Dự thảo mới chỉ đưa ra mục tiêu cắt giảm đối với giấy phép, thủ tục hành chính nội bộ; số hóa thủ tục hành chính về cấp phép trên môi trường điện tử, số lần cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu trong thủ tục cấp phép mà chưa đưa ra mục tiêu cắt giảm đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh.
Trong khi, đây là một trong những nội dung quan trọng, theo đó cần bổ sung về tỷ lệ % cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh đến năm 2030 tại dự thảo.
Bên cạnh đó, liên quan đến nhiệm vụ, thực hiện cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép dựa trên công nghệ số, dữ liệu số (Mục III.1). Về mục tiêu, Dự thảo đang đặt ra mục tiêu cắt giảm hoặc chuyển sang hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động đối với tối thiểu 30% giấy phép trong trường hợp cấp mới, cấp lần đầu và 60% giấy phép trong trường hợp điều chỉnh, sửa đổi, cấp lại.
Theo VCCI, “cắt giảm” giấy phép có thể hiểu là bãi bỏ giấy phép. Chuyển sang hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động – với hình thức này, giấy phép vẫn tồn tại nhưng thủ tục để thực hiện đơn giản, thuận tiện hơn.
So sánh hai hình thức này thì “cắt giảm” là hoạt động có tính chất cải cách mạnh hơn và tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp. Nếu gộp chung tỷ lệ cho cả hai hoạt động cắt giảm và chuyển đổi hình thức cấp phép có thể khiến cho các cơ quan rà soát có xu hướng lựa chọn chuyển đổi hình thức cấp phép thay vì “cắt giảm”. Vì vậy, để hoạt động cắt giảm giấy phép thực chất, VCCI đề nghị phân tách riêng tỷ lệ mục tiêu của hoạt động cắt giảm giấy phép và tỷ lệ mục tiêu chuyển đổi hình thức cấp giấy phép.
Dự thảo yêu cầu: “rà soát, xây dựng phương án cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với trường hợp đã có đủ dữ liệu, điều kiện thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/10 hàng năm. Riêng đối với giấy phép do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định theo thẩm quyền, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa”.
Như vậy, theo VCCI, việc cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép chỉ thực hiện đối với trường hợp “đã có đủ dữ liệu, điều kiện thực hiện”. Điều này dường như chưa đủ, bởi vì sẽ có những trường hợp không cần thiết phải có giấy phép hoặc quản lý bằng hoạt động cấp phép mà cần phải bãi bỏ giấy phép đó hoặc chuyển đổi thành hình thức quản lý bằng điều kiện kinh doanh mà không cần cấp phép (chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”).
Để đảm bảo tính toàn diện và thực chất, hiệu quả, VCCI cũng đề nghị bổ sung trường hợp cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với các giấy phép không hợp lý, có thể chuyển đổi được từ hình thức “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, một số ý kiến cũng cho rằng, ban soạn thảo nên bổ sung nội dung việc phân cấp thực hiện thủ tục hành chính phải gắn với việc điều chỉnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bởi vì phân cấp thẩm quyền sẽ giảm các tầng nấc trung gian giải quyết và khiến cho quy trình thủ tục hành chính đơn giản hơn, đồng nghĩa thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ phải rút ngắn hơn.