Chương trình hàng Việt tại Tây Ninh: Cần cụ thể hóa từng nhóm đối tượng
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo Hội nghị kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Tây Ninh |
Báo cáo kết quả thực hiện CVĐ, ông Nguyễn Văn Nhiếm - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh - cho biết, thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2016 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, huyện, báo Tây Ninh đã đăng tải hàng trăm tin, bài viết về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan tới CVĐ, phản ánh các vụ việc liên quan đến hàng tiêu dùng và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh. Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố còn tổ chức tuyên truyền thông qua sinh hoạt ở khu dân cư, tổ dân cư tự quản, các hội nghị thông tin thời sự ở điạ phương. Ngoài ra, Ban chỉ đạo CVĐ và các ngành liên quan còn có nhiều hình thức tuyên truyền khác như: Nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm câu lạc bộ, kịch ngắn, tiểu phẩm, tuyên truyền trong các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm...
Cũng theo ông Nhiếm, trong năm nay, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp cùng các ngành liên quan xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn. Hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp, siêu thị và ban quản lý các chợ hạng 2 tổ chức triển khai thực hiện Chương trình nhận diện hàng Việt Nam “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2016.
Ông Dương Văn Thắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - đánh giá những kết quả đạt được của CVĐ tại Tây Ninh |
Đối với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, doanh nghiệp trên địa bàn đã tổ chức 5 phiên chợ hàng Việt về các huyện: Châu Thành, Tân Biên và Dương Minh Châu. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện 23 lượt bán hàng lưu động về các huyện biên giới vùng xa, phục vụ người dân. Đặc biệt, Công ty Hùng Duy có hàng trăm chuyến hàng phục vụ nhân dân nông thôn với 40 xe chở hàng có in khẩu hiệu cổ động "Người Việt dùng hàng Việt". Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 siêu thị Co.op Mart phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các chương trỉnh bán hàng lưu động đem hàng Việt đến tận người tiêu dùng ở vùng nông thôn.
Ông Lê Thành Công - Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh - bổ sung: Trong 10 tháng đầu năm 2016, Sở đã tiếp nhận 6.512 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn, ban hành 24 chương trình tổ chức khuyến mại theo quy định với tổng trị giá giải thưởng theo đăng ký trên 1 tỷ đồng. Sở cũng phối kết hợp với các cơ quan liên quan, các tỉnh, thành phố tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm và kết nối cung cầu hàng hóa, qua đó đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến gần với người tiêu dùng hơn.
Đánh giá về những kết quả đạt được của CVĐ tại tỉnh Tây Ninh, ông Dương Văn Thắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng và các yêu cầu nội dung CVĐ như: Rà soát, bổ sung, ban hành các quy định để hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, định hướng tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống hàng lậu, hàng giả… để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Từ khi thực hiện CVĐ, mức tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng cao, người dân đã ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng là hàng Việt nên vận động gia đình, bạn bè sử dụng hàng hóa Việt. Đặc biệt, CVĐ đã tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; đồng thời, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm, hàng hóa.
Tuy nhiên, để CVĐ đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa hơn, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh hàng Việt, đảm bảo cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Trung ương cần định hướng các chủ đề, nội dung thực hiện CVĐ. Có quy định cụ thể về mức kinh phí thực hiện CVĐ.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại Công ty Hùng Duy - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong CVĐ của tỉnh Tây Ninh |
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Tây Ninh. CVĐ tại tỉnh đã được triển khai nghiêm túc với nhiều hoạt động, đa dạng, mang tính sâu rộng từ tỉnh đến huyện, xã... Công tác tuyên truyền về hàng Việt đã được tỉnh chú trọng với những hoạt động cụ thể, sâu rộng đến nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến công, xúc tiến thương mại cần thể hiện rõ hơn nữa, để các sản phẩm không chỉ là nông nghiệp mà còn có sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu địa phương, được phân phối mạnh mẽ hơn nữa ở thị trường trong nước. Ngoài ra, đối với các kế hoạch trong năm 2017, tỉnh cần cụ thể hóa ra từng nhóm đối tượng (các cấp, các ngành cần làm gì, địa phương cần làm gì) để triển khai trong thời gian tới được hiệu quả cao.