Miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP được tin dùng |
Là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu là vùng đất của của các loại cây trồng, dược liệu quý như: Hồi, quế, trẩu, sở, lá tắm, dong riềng, kim ngân, vối. Dựa trên lợi thế đó, Bình Liêu bắt đầu triển khai các buổi tập huấn, tuyên truyền về Chương trình OCOP theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh đến đội ngũ cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn vào năm 2014 ngay sau khi Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2013. Với ý nghĩa của chương trình, Bình Liêu đã tích cực khuyến khích nhân dân và các tổ chức kinh tế mạnh dạn tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm trước đây chỉ được người dân tự sử dụng trong gia đình đã nhanh chóng trở thành các sản phẩm được thị trường tin dùng.
Năm 2019, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình NTM, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Bình Liêu đã tiếp nhận 1 phiếu ý tưởng sản phẩm của Lâm trường 156 về đầu tư dự án trồng cây dược liệu (xạ đen); tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện phân tích chất lượng sản phẩm và thực hiện công bố hợp quy đối với các sản phẩm bắt buộc phải công bố theo quy định; kết nối 2 Hợp tác xã OCOP với các dự án hỗ trợ cấp tỉnh do Chi cục phát triển nông thôn và Liên minh HTX thực hiện để nâng cấp cơ sở sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong và tinh dầu Bình Liêu; thực hiện tham gia 6 cuộc xúc tiến thương mại giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài huyện…
Nhờ huy động nhiều nguồn lực, Ban chỉ đạo OCOP huyện đã bám sát kế hoạch triển khai chương trình OCOP của tỉnh, kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm về OCOP đã giúp cho chương trình OCOP đạt được kết quả đầy khích lệ. Theo đó, chất lượng sản phẩm và mẫu mã, bao bì sản phẩm được nâng lên rõ rệt; các đơn vị tham gia chương trình OCOP đã có ý thức trong việc hoàn thiện các tiêu chuẩn sản phẩm, công bố hợp chuẩn, hợp quy theo quy định; số lượng sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 12 sản phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phát triển, đã có nhiều HTX mới được thành lập đã từng bước trưởng thành, phát huy hiệu quả thực chất; 100% các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện được dán tem điện tử VNPT để truy suất nguồn gốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hiện vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn, như: bộ máy thực hiện chương trình chưa được bố trí chuyên trách, nên hiệu quả trong công tác tham mưu chưa cao; còn một số sản phẩm OCOP chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ ổn định để chủ động sản xuất, kinh doanh nên một số sản phẩm đã có và được người tiêu dùng ưa chuộng song không đủ đáp ứng số lượng và sản xuất còn mang tính chất thời vụ. Ngoài ra, vướng mắc lớn chính là sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp nên trong sản xuất luôn có tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm nên khả năng thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân còn khiêm tốn. Trình độ nhận thức của người dân cũng như các tổ chức kinh tế trong việc phát triển sản xuất hàng hóa nói chung và phát triển sản phẩm OCOP nói riêng còn nhiều hạn chế, chậm thay đổi tư duy.
Tới đây, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tập trung phát triển và hoàn thiện một sản phẩm chủ lực cấp tỉnh định hướng cấp quốc gia (miến dong Bình Liêu) đạt Bộ tiêu chí tạm thời sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (có sản phẩm xuất khẩu và xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm). Xây dựng và đăng ký sở hữu trí tuệ ít nhất 2 thương hiệu sản phẩm OCOP cấp huyện. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng của 10 tổ chức kinh tế, hộ gia đình tham gia phát triển sản phẩm OCOP đã có và phát triển ít nhất 1 tổ chức kinh tế (HTX) tham gia chương trình OCOP năm 2020. Có thêm ít nhất 1-2 sản phẩm được công nhận/chứng nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên tại Hội thi Đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đặc biệt, theo bà Lê Thị Thu Hương – Phó trưởng phòng NN&PTNT, địa phương sẽ rà soát lại các sản phẩm tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2013-2019 để tiếp tục có sự lựa chọn các sản phẩm có khả năng phát triển, đầu tư sâu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xúc tiến thương mại. Khuyến khích, đăng ký chấp thuận từ 2-3 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn thường niên. Phấn đấu 100% tổ chức kinh tế tham gia OCOP ký cam kết sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; phấn đấu 100% sản phẩm OCOP phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng; 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc hoặc tem chống hàng giả; phối hợp với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh cung ứng sản phẩm OCOP của huyện vào các trung tâm OCOP, siêu thị trong và ngoài huyện; vận động các tổ chức OCOP thực hiện xây dựng hệ thống bán hàng, đại lý phân phối sản phẩm để tăng cường tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.