Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
CôngThương - Năm 2012, kiên định thực hiện các giải pháp
Khẳng định trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012, chúng ta phải phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được”.
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong tháng 10 và 11 năm nay, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 10 là 0,36%, tháng 11 là 0,39%. Thu ngân sách đạt khá, đến ngày 15/11 đã hoàn thành khoảng 98,5% kế hoạch; xuất khẩu 11 tháng đã tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu được Quốc hội thông qua; nhập siêu 11 tháng giảm còn 10,2%; lãi suất ngân hàng tiếp tục chiều hướng giảm…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp. Theo nhiều dự báo, khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu sẽ nghiêm trọng hơn khiến kinh tế khu vực này có thể lâm vào tình trạng suy thoái, kéo chậm sự tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, kéo theo sự suy giảm sản xuất và nhu cầu nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá dầu và lương thực có khả năng tăng mạnh… Các nhân tố đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.
Trước tình hình trên, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012, Chính phủ sẽ kiên định các giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, kịp thời xử lý những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, điều hành linh hoạt, sát thực tế.
Về một số nhóm vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%.
“Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được”- Thủ tướng khẳng định.
Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa đảm bảo từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. “Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường. Đồng thời, có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách”- Thủ tướng nói.
Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí
Trả lời trước Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, Thủ tướng nói: “Do tính tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, cả ba nội dung tái cấu trúc trên phải được thực hiện đồng bộ, với các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng đắn, hiệu quả đi đôi với việc tiến hành đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược”. Thủ tướng cho biết: “Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại kỳ họp Quốc hội tới”
Đi vào từng nôi dung cụ thể, người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công, dành thêm nguồn từ ngân sách để đầu tư cho các lĩnh vực xã hội. Đồng thời có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, gây thất thoát, lãng phí. Rà soát lại quy hoạch và các quy định về phân cấp đầu tư, bảo đảm mỗi dự án khởi công mới đều phải được cấp có thẩm quyền thẩm định và kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch, tính cấp thiết, mục tiêu, quy mô, nguồn vốn trước khi quyết định đầu tư, bảo đảm hiệu quả đầu tư và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Riêng với các dự án chuyển tiếp, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Còn các dự án không tiếp tục cân đối được nguồn vốn thì sẽ chuyển sang thực hiện đầu tư dưới hình thức khác hoặc đình hoãn.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá hiệu quả đầu tư và kiên quyết xử lý nghiêm những việc làm sai trái.
Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng thông qua các hình thức BT, BOT, BTO, PPP, tạo bước đột phá trong phát triển một số công trình hạ tầng có quy mô lớn.
Xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ
Về nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chính, mà trước hết là căn cứ vào phương án tổng thể, Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngay trong năm 2011.
Chính phủ sẽ xác định rõ chức năng của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua tổng kết, đánh giá mô hình quản lý, hiệu quả hoạt động, xác định rõ phạm vi, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và phê duyệt phương án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện đa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, kể cả tập đoàn và tổng công ty trên tinh thần chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết nhằm thực hiện vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng khẳng định: “Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính và thực hiện xong việc thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015. Chính phủ sẽ xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả kéo dài bằng các hình thức thích hợp như cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể, bán, phá sản doanh nghiệp”.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, sẽ thực hiện công khai minh bạch hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; kiểm soát có hiệu quả độc quyền tự nhiên.
Sẽ có phương án để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém
Nội dung trọng tâm thứ ba trong nhiệm vụ cơ cấu nền kinh tế được Thủ tướng trả lời trước Quốc hội là việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại với mục tiêu từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh, phấn đấu không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, trong đó, sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý và hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, lấy đó làm cơ sở cho việcxây dựng phương án tổng thể cơ cấu lại toàn bộ hệ thống ngân hàng. Đồng thời với việc hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế, tăng cường vai trò giám sát của ngân hàng nhà nước trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao việc thực hiện cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để ngân hàng thương mại nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại cả nước.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Thủ tướng cho biết, cùng với nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Chính phủ chỉ đạo tiến hành cơ cấu lại và phát triển mạnh các thị trường tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.