Ngư dân Phú Quý sửa lại tàu cá để chuẩn bị ra khơi.
Phú Quý cách đất liền hơn 100 km, trước tháng 6/2014, người dân Phú Quý dùng điện của nhà máy điện diesel với giá cao hơn đất liền từ 1,9 đến 4,96 lần. Từ tháng 6/2014, giá điện tại Phú Quý được điều chỉnh bằng giá điện trong đất liền và ngày tăng thời gian phát điện từ 16 giờ lên 24 giờ/ngày. Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), đến nay đã có 100% hộ dân trên đảo sử dụng điện, lượng điện năng tiêu thụ tăng rất nhanh so với trước đây.
Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Điện lực Phú Qúy (Công ty Điện lực Bình Thuận) cho biết, hệ thống lưới điện trên đảo Phú Quý hiện có 22,432km đường dây trung thế, 37,261km lưới điện hạ thế, 36 trạm biến áp phân phối với tổng công suất lắp đặt 4.250 kVA. Trước đây nguồn điện trên đảo có nhà máy diesel gồm 6 tổ máy 500kW, tổng công suất 3000kW, sau đó là dự án điện gió dự án điện gió Phú Quý với 3 tuabin (2000kW/tuabin) đưa vào sử dụng nhưng cũng chỉ đủ cung cấp điện 16 giờ/ngày cho người dân trên đảo.
Từ 7/2014 đến nay khi có điện liên tục 24 giờ/ngày, tình hình kinh tế, văn hóa và xã hội của người dân Phú Quý thay đổi rõ rệt. Sản lượng điện trên đảo trước đây chỉ ở mức 4,5 triệu kWh, nhưng 6 tháng cuối năm 2014, sản lượng điện đạt hơn 6 triệu kWh, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả năm 2014, sản lượng điện đạt 10,6 triệu kWh, tăng 26%. Đặc biệt điện dành cho công nghiệp xây dựng tăng rất cao đạt 51%, điện cho dân cư tiêu dùng tăng 21%, điện cho thương nghiệp- khách sạn tăng 19% và điện cho các hoạt động khác tăng 35%.
Sau khi áp dụng giá điện bằng với đất liền và phát cả ngày, số hộ dân lắp đặt điện kế tăng từ 5910 hộ lên 6232 hộ, đạt tỷ lệ 100% hộ dân có điện. Giá điện giảm và phát liên tục nên các hoạt động kinh tế đã phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Ông Huỳnh Văn Nam, người dân ở Phú Qúy nói, 4 năm trước gia đình ông phải dời cơ sở chế biến mực khô vào thành phố Phan Thiết để tránh mức điện giá cao. Trước Tết Ất Mùi 2015, ông đã cho khởi động lại cơ sở chế biến tại Phú Quý để để tận dụng lợi thế “tại gia” vốn là nghề truyền thống của gia đình.
Ông Tạ Minh Nhật- Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý- cho biết, trước đây do điện giá cao có khoảng 20 doanh nghiệp trên đảo Phú Quý dời cơ sở chế biến thủy hải sản vào Phan Thiết, La Gi thì nay hầu hết các cơ sở này đã tái hoạt động trở lại ngay tại đảo. Khi giá điện hạ xuống và phát liên tục, người dân Phú Quý phấn khởi hơn bằng việc đầu tư thêm tàu thuyền đánh bắt hải sản, cơ sở chế biến mực, cá khô, nước mắn. Bên cạnh đó hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch cũng khởi sắc khi hàng hóa bày bán nhiều và đa dạng hơn, khách du lịch đến Phú Quý cũng đông hơn trước đây.
Để đảm bảo cung cấp điện cho đảo Phú Quý giai đoạn 2015-2020, ông Phạm Văn Thanh - Giám đốc Điện lực Phú Quý cho biết, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã đầu tư 25,2 tỷ đồng lắp đặt 2 tổ máy phát (1000kW/tổ máy) và sắp vận hành trong tháng 3 này. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện gia tăng của Phú Quý trong tương lai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã chấp thuận thực hiện dự án đầu tư tăng cường nguồn điện diesel và cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống lưới điện trên đảo. Theo đó tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 11,5 triệu USD để lắp đặt thêm 5 MW nguồn diesel nhằm nâng tổng công suất nhà máy diesel lên 10MW; nâng cấp hệ thống lưới điện, bọc hóa toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế trên đảo để ngăn ngừa sự cố lưới điện, giảm tần suất cắt điện, đáp ứng cung cấp điện ổn định và liên tục.