Hòa chung không khí cùng cả nước thi đua nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, với niềm tin sâu sắc và tinh thần đổi mới mạnh mẽ cùng đất nước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững… vào những ngày tháng 10 lịch sử, Công đoàn Công Thương Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ, 2023 - 2028.
Toàn cảnh Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ, 2023 - 2028 |
Đoàn chủ tịch Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ, 2023 - 2028 |
Đại hội có sự tham dự của Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc,... đặc biệt là sự có mặt của 400 đại biểu chính thức, là cán bộ, đoàn viên tiêu biểu đại diện cho gần 150 ngàn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành Công Thương trong cả nước.
Đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương tham dự Đại hội |
Khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Phan Văn Bản, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ qua, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động và trách nhiệm cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Công Thương đã đoàn kết, vững tâm vượt qua những khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng.
“Hệ thống tổ chức Công đoàn Công Thương Việt Nam không ngừng được phát triển mạnh mẽ. Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp được củng cố, hoàn thiện về mô hình, tổ chức và nâng cao năng lực, đổi mới nội dung hoạt động; đa dạng về phương thức vận động, tập hợp đoàn viên, người lao động. Mọi hoạt động đều hướng về cơ sở và vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, qua đó từng bước đáp ứng được yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn ngày càng được khẳng định, hoạt động công đoàn đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của ngành Công Thương trong quá trình hội nhập và phát triển” - ông Phan Văn Bản khẳng định.
Ông Phan Văn Bản, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội |
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam nhấn mạnh, Đại hội lần thứ IV Công đoàn Công Thương Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, với những biến đổi khó lường của tình hình chính trị và kinh tế thế giới, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, tổ chức công đoàn cần phải tiếp tục kế thừa những thành quả, kinh nghiệm đã đạt được, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, nhanh chóng thích ứng một cách linh hoạt trong tình hình mới.
“Đại hội lần thứ IV Công đoàn Công Thương Việt Nam với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động ngành Công Thương, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” - ông Phan Văn Bản nhấn mạnh.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích đoàn viên, người lao động, người đứng đầu tổ chức Công đoàn ngành Công Thương, nêu rõ một số nhiệm vụ cần thực hiện tại Đại hội:
Một là, nghiên cứu và thảo luận, thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam khóa III về đánh giá tình hình công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ qua; Thảo luận và quyết định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp hoạt động nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Hai là, thảo luận thống nhất Đề án nhân sự Ban chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam khóa IV có đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu hợp lý. Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn bầu ra Ban chấp hành và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực, tinh thần trách nhiệm để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam khóa IV.
Ba là, tiếp tục thảo luận, tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; dự thảo báo cáo sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam; các đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; với các Bộ ngành có liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.
400 đại biểu là cán bộ, đoàn viên tiêu biểu đại diện cho gần 150 ngàn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương dự Đại hội |
Người lao động là trung tâm
Trình bày báo cáo tại Đại hội, ông Quách Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở triển khai nâng cao chất lượng, hiệu quả của thoả ước lao động tập thể, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước. Các bản thỏa ước được ký phải đảm bảo được quyền lợi và nhiều nội dung có lợi cho đoàn viên, người lao động.
Đến nay, toàn ngành đã có hơn 406 đơn vị ký thoả ước lao động tập thể, chiếm tỷ lệ trên 90%; trong đó doanh nghiệp Nhà nước đạt 98%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 93,35%, doanh nghiệp FDI đạt 87,87%.
Bên cạnh đó, công đoàn còn phối hợp với cơ quan chức năng, ban chuyên môn thực hiện kiểm tra được 4.900 lượt tại một số cơ sở trực thuộc về công tác an toàn vệ sinh lao động, các công đoàn cơ sở trực thuộc đã tổ chức kiểm tra 455 lượt tại một số bộ phận, đơn vị về công tác an toàn vệ sinh lao động.
Ngoài ra, các cấp công đoàn còn tích cực triển khai Nghị quyết 07c/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Hiện nay, phần lớn các đơn vị đảm bảo mức ăn ca trên 20.000 đồng/người.
Ông Quách Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam trình bày báo cáo tại Đại hội |
Công tác chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động, nhiệm kỳ vừa qua được các cấp Công đoàn Công Thương Việt Nam chú trọng thực hiện. Riêng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các cấp công đoàn đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ, chi hơn 80,6 tỷ đồng hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị mất việc, thiếu việc, mất thu nhập, thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 12,5 tỷ từ nguồn của Công đoàn Công Thương Việt Nam và 68,1 tỷ từ nguồn của các công đoàn cấp trên cơ sở.
Cùng với công tác chăm lo cho người lao động, các cấp công đoàn ngành Công Thương còn tổ chức nhiều phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất, coi đó là "chìa khóa vạn năng" để mở ra những chặng đường phát triển mới của doanh nghiệp. Các đơn vị trong ngành luôn duy trì tốt phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm”, “Bảo đảm vệ sinh an toàn lao động”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, riêng phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các đơn vị trong toàn ngành đã có hơn 150.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến, giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.
Tiếp tục hướng mạnh về cơ sở
Theo ông Quách Văn Ngọc, trong 5 năm tới, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện đồng bộ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra nhiều đổi mới, cải tiến trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặt ra cho giai cấp công nhân Việt Nam, trong đó có đội ngũ công nhân, viên chức lao động ngành Công Thương những yêu cầu, thách thức cần phải thay đổi. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn là phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động đủ nhận thức, trình độ, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm trong điều kiện mới.
Theo đó, nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, người lao động làm đối tượng vận động với ba khâu đột phá: Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm; tăng cường nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
“Một nhiệm kỳ đã qua để lại nhiều dấu ấn của các cấp công đoàn. Nhiệm kỳ mới bắt đầu với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới. Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, vì quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức công nhân lao động; để mỗi đoàn viên công đoàn trong ngành có thể tự hào về tổ chức của mình” - ông Quách Văn Ngọc khẳng định.