Thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và các ngành công nghiệp chủ lực Sản xuất công nghiệp: Để niềm vui trọn vẹn hơn Công nghiệp chế biến, chế tạo: Khơi thông thị trường, nỗ lực giảm tồn kho |
Đơn hàng tăng, công nghiệp chủ lực phục hồi mạnh
Số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng cao, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến đã có sự khởi sắc. Với những tín hiệu tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đang tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất-kinh doanh trong năm nay.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty EVA trong khu công nghiệp Vsip (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng gần 40%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng hơn 25%; phân u rê tăng gần 24%; thép cán tăng hơn 20%; phân hỗn hợp NPK tăng gần 16%...
Đơn cử như Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), tổng tiêu thụ thép thành phẩm của Tổng Công ty trong quý I đạt trên 724,5 nghìn tấn tăng 9% so với cùng kỳ, riêng mặt hàng thép cán nguội tăng 100%; tôn mạ tăng 61 % so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng trong tháng 3/2024, tiêu thụ thép thành phẩm của VNSteel đạt trên 243,1 nghìn tấn, trong đó thép cán dài đóng góp trên 143,7 nghìn tấn, thép cán nguội trên 70,7 nghìn tấn và tôn mạ trên 28,6 nghìn tấn.
"Hầu hết các đơn vị trong hệ thống đã có hiệu quả, bám sát các mục tiêu của quý cũng như tiến độ kế hoạch đã đề ra," đại diện VNSteel cho biết.
Hay như ngành da giày, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam, công nghiệp đang phục hồi tạo đà cho ngành da giày tăng trở lại. Cụ thể, quý I/2024 xuất khẩu toàn ngành da giày đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Kết quả tích cực của các doanh nghiệp còn thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo trong 4 tháng đầu năm tăng tới 14,5%, thu về khoảng 104,65 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng cao, như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 63,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,7%; sắt thép các loại tăng 20,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9,9%...
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tăng tích cực ở các địa phương chủ lực, khi có 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, Phú Thọ tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 24,1%; Hà Nam tăng 15,5%; Bình Phước tăng 15,2%)…
Nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp
Thời gian qua có nhiều yếu tố giúp xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vị trí đầu tàu dẫn dắt trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp (xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%...).
Trao đổi với Vuasanca , ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp.
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước”- ông Phạm Tuấn Anh nêu.
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Phân tích kỹ hơn, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Về phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.