Phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao |
Vai trò chủ đạo
Với mong muốn phát triển CNHT thành ngành chủ lực, tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp, năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2025.
Cụ thể, cải thiện chất lượng lao động nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp CNHT; thiết lập và cải thiện các loại hình hỗ trợ, cải thiện triệt để hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp để thực hiện mục tiêu khuyến khích phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT; đầu tư xây dựng Trung tâm kết nối phát triển CNHT tại thành phố Vĩnh Yên nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT có trong danh mục thuộc các ngành được ưu tiên như: Điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện đầu tư dự án mới hoặc mở rộng quy mô dự án từ 20% trở lên; hỗ trợ 80% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng đối với doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm...
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng phấn đấu đến năm 2025, CNHT của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Giai đoạn 2017 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp ngành CNHT đạt khoảng 67,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thu hút 30 - 35 dự án đầu tư lĩnh vực sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên. Đến năm 2025, một số DN sản xuất sản phẩm CNHT nội địa có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu.
Thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, tỉnh đang tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực CNHT cho sản xuất ôtô, xe máy, điện tử. Các dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo số liệu từ Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc, tính tới hết quý I/2018, Ban quản lý đã cấp mới 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 45,11 triệu USD, bằng 55% về vốn đầu tư so cùng kỳ và đạt 17% kế hoạch năm; cấp mới 2 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 85,91 tỷ đồng, gấp 4,3 lần về số vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Trong số 11 dự án cấp mới, có 10 dự án sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, sản phẩm phụ trợ cho lĩnh vực điện tử (9 dự án FDI của nhà đầu tư Hàn Quốc) và 1 dự án sản xuất, gia công cơ khí các loại khuôn mẫu.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục mở rộng các KCN, các cụm công nghiệp, sẵn sàng đón các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Hiện nay, Vĩnh Phúc có trên 230 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 3,5 tỷ USD. Trong đó, 202 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tập trung chủ yếu vào các ngành CNHT, dệt may, chiếm 80% về giá trị sản xuất công nghiệp và gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. |
Tiếp vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
|