Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/4: Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ
Công Thương và công luận 10/04/2022 10:05
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 8/4: Tìm hướng gỡ khó cho điện gió, điện mặt trời, giá xăng dầu Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 9/4: Giá xăng dầu sau lễ có thể giảm 600 - 800 đồng/lít |
Lĩnh vực xuất nhập khẩu luôn là đề tài được quan tâm trên các phương tiện truyền thông. Báo Hà Nội mới có bài: “Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ”.
Bài báo đưa nội dung: 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của nước ta phục hồi mạnh mẽ khi tăng cả về lượng và giá trị ở nhiều nhóm hàng, góp phần quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là cơ sở để các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho xuất khẩu trong các quý tiếp theo, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra trong năm 2022.
Trong lĩnh vực năng lượng, báo Đầu tư đăng bài: "Rốt ráo tìm nguồn nhập than”. Theo nội dung bài báo, Việt Nam cần nhập khẩu từ 18 đến 25 triệu tấn than trong năm nay để phục vụ ngành điện, sản xuất phân bón.
Trước sự cấp thiết đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện, phân bón, xi măng…, trong tuần đầu tháng 4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có 3 cuộc làm việc với đại diện các nhà cung cấp than của Australia, Nam Phi… để tìm kiếm nguồn than nhập khẩu.
“Tiếp tục áp thuế chống bán phá giá hơn 5 triệu đồng/tấn với bột ngọt nhập từ Indonesia và Trung Quốc” là bài đăng trên báo Tuổi trẻ. Nội dung bài báo đưa, Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt được phân loại theo mã HS 2922.42.20 có xuất xứ từ Indonesia và Trung Quốc.
Cụ thể, bột ngọt bị áp thuế chống bán phá giá theo quyết định của Bộ Công Thương là những sản phẩm được sử dụng trong chế biến thực phẩm, nấu ăn, bột ngọt được người tiêu dùng trực tiếp sử dụng trong việc chế biến thức ăn.
Sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gia vị khác, các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn, nước chấm, nước xốt, mì gói… Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Indonesia là trên 5,2 triệu đồng/tấn.
Mặc dù thị trường Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung được đánh giá rất tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng doanh nghiệp cần cẩn trọng với hiện tượng lừa đảo núp bóng dưới nhiều hình thức… Đây là nội dung của bài báo “Cảnh báo nguy cơ bị lừa khi xuất khẩu sang thị trường Nigeria” của báo điện tử VietnamPlus.
Theo đó, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam; thực hiện giao dịch từ 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Thế nhưng, từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng.