Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 12/4: “Đánh thức” đầu tư vào dầu khí, ngoài ưu đãi còn cần gì?
Công Thương và công luận 12/04/2022 09:51
Báo Đầu tư có bài: “Đánh thức” đầu tư vào dầu khí, ngoài ưu đãi còn cần gì? Nội dung bài báo viết, trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5/2022), Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay đầu phiên họp thứ 10 (dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 23/4).
Theo đó, Dự thảo Luật mới không chỉ là đề xuất cơ chế ưu đãi đặc biệt để “đánh thức” đầu tư vào lĩnh vực kinh tế từng có năm đóng góp đến 25% GDP của cả nước, mà quan trọng hơn là vừa đảm bảo được tính đặc thù của ngành dầu khí, nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế.
Ngoài năng lượng, lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng được nhiều cơ quan báo chí truyền thông quan tâm. Trong đó, báo điện tử Bnews đăng bài: “Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể cán đích 700 tỷ USD”.
Bài báo chỉ rõ, kết thúc quý I, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng 2 con số. Do đó, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo rằng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới và sẽ cán đích 700 tỷ USD.
Năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6 - 8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD; duy trì cán cân thương mại ở mức xuất siêu. Để đạt mục tiêu này, có thể thấy hiện nay Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là đã có giai đoạn thử thách, vượt qua được tác động của dịch bệnh. Việt Nam cũng có đà tăng trưởng xuất khẩu tốt duy trì qua nhiều năm.
Cũng về đề tài xuất nhập khẩu, báo Lao động dẫn vào thị trường Ấn Độ với bài viết: “Việt Nam và Ấn Độ phấn đấu thương mại năm 2022 đạt 15 tỉ USD”.Bài báo dẫn số liệu của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,92 tỉ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 2,05 tỉ USD.
Giai đoạn hiện nay, cả Ấn Độ và Việt Nam đang thoát ra khỏi "bóng ma" Covid-19 và tập trung vào việc phục hồi kinh tế nhanh chóng chính là “thời điểm vàng” để tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn. Việt Nam và Ấn Độ phấn đấu mục tiêu thương mại năm 2022 đạt 15 tỉ USD.
“Doanh nghiệp Việt tìm cách thích ứng, 'mở đường' mới sau xung đột ở châu Âu” là bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ. Tác giả bài báo viết, khi chiến sự Nga và Ukraine bùng nổ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng vì một số thị trường sẽ rơi vào bế tắc. Nhưng cũng nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thích ứng, linh hoạt, mở ra những con đường khác cho hàng hóa.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt cũng như tạo thêm thúc đẩy thương mại 2 chiều cho thị trường này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ, các hiệp hội đánh giá kỹ lưỡng các dòng hàng được hưởng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (gồm: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Và đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do khi dòng thuế quan ưu đãi đang rất tốt, nhân cơ hội này chúng ta đẩy mạnh tất cả các mặt hàng vào các thị trường.