Cao nguyên đá Đồng Văn - nơi lưu giữ những giá trị địa chất độc đáo, tiêu biểu.
CôngThương - Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về công viên Địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Phạm Khôi Nguyên khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu tham gia đầy đủ của Việt Nam vào mạng lưới công viên địa chất khu vực và toàn cầu (GGN), quảng bá rộng rãi về xu hướng này đối với các địa phương trên cả nước, tạo cơ hội hợp tác, giao lưu xây dựng công viên địa chất ở nhiều khu vực khác nhau, đồng thời kết nối các hình thức bảo tồn di sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với thế giới, Việt Nam là nước khá tiềm năng về công viên địa chất, vì đây là nơi giao nhau của hai đới kiến tạo Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Hai đới này đã gặp nhau ở đồng bằng sông Hồng vì thế đã hình thành những kiến tạo địa chất khá độc đáo. Ngoài cao nguyên đá Đồng Văn, hiện Việt Nam có khoảng 6 khu vực có tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu trong thời gian tới như: khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển thế giới vườn Cát Bà, vườn quốc gia Hoàng Liên - Lào Cai, Thác Bà của Yên Bái, vườn quốc gia Cúc Phương, cố đô Hoa Lư.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết: Việc thành lập công viên địa chất là điều kiện để khai thác các hình thức du lịch địa chất và sản phẩm địa chất kèm theo, có thể mang lại cơ hội phát triển bền vững mới cho cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, song hành với danh hiệu danh giá này, phải huy động cả cộng đồng gìn giữ di sản, phải cho người dân hiểu họ chính là người trực tiếp quản lý công viên địa chất.
Đơn cử như với công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, theo tiến sĩ Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản - cần có quy hoạch tổng thể phân chia rõ ràng, có chiến lược khai thác và bảo tồn hợp lý. Bởi thực tế, đầu tư phát triển du lịch là hướng ưu tiên trong khai thác của cao nguyên Đồng Văn, nhưng đa số dân cư ở Cao nguyên đá Đồng Văn trước đây sống bằng canh tác trên núi đá, không dễ ngày một ngày hai chuyển sang phát triển kinh tế du lịch. Hơn nữa, điện, đường, trường, trạm tại đây còn thiếu thốn, chưa kể tới việc một số đơn vị khai thác khoáng sản đang tác động tiêu cực tới môi trường và cảnh quan.
Mặc dù Hà Giang đã xây dựng đề án di dân ra khỏi vùng lõi di sản và mời các chuyên gia nước ngoài quy hoạch các vùng bảo tồn, vùng khai thác, vùng dịch vụ cho cao nguyên đá Đồng Văn…, nhưng muốn cao nguyên đá phát triển bền vững, rất cần có cơ chế, chính sách thích hợp để ổn định và nâng cao đời sống người dân - chủ nhân của cao nguyên đá, giúp họ yên tâm và góp phần bảo vệ di sản mà thiên nhiên đã ban tặng.