Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu |
Tăng trưởng tốt nhưng chưa bền vững
Đánh giá các chỉ tiêu năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thống nhất với các kết luận của Chính phủ. Theo đó, năm 2017 đã đạt được những kết quả toàn diện về vĩ mô. Để đạt được mục tiêu mang tính toàn diện này thể hiện sự nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế, thể hiện sự tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh trong cả mảng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, thể hiện sự tăng trưởng đồng đều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu. Chính vì có sự tăng trưởng toàn diện, đồng đều nên việc ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững. Đây là tiền đề quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 cả về phát triển kinh tế, xã hội cũng như chỉ số CPI.
Liên quan đến lĩnh vực ngành Công Thương, trong báo cáo thẩm tra của UBTCNS có nói về liên quan đến chỉ tiêu về sử dụng năng lượng trong tăng trưởng GDP. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trên thực tế chỉ tiêu này chỉ là một yếu tố đưa vào đánh giá về tăng trưởng kinh tế và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ, một nền kinh tế mà thiên về công nghiệp thì cường độ sử dụng năng lượng sẽ nhiều hơn rất nhiều so với nền kinh tế thiên về dịch vụ. Yếu tố thứ hai đó là công nghệ và chất lượng công nghệ, nếu nền sản xuất xi măng sử dụng công nghệ cũ thì sử dụng năng lượng rất cao và ngược lại, yếu tố công nghệ sẽ quyết định suất tiêu hao năng lượng. Thứ ba là các vấn đề liên quan đến nhận thức, tập quán.
Do đó, nếu chỉ tính riêng năm 2017 thì con số này sẽ khó có tính toàn diện để đánh giá chất lượng tăng trưởng nền kinh tế. Con số này chỉ mang tính tương đối, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất và đề xuất với Quốc hội về chỉ tiêu này tính trong 5 năm.
Đồng tình với nhận định của Chính phủ về tuy tăng trưởng kinh tế tốt nhưng chưa bền vững. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích. Thứ nhất, về tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào DN FDI, trong đó có cả tỷ trọng đóng góp của các DN FDI vào tăng trưởng công nghiệp, đặc biệt trong công nghiệp chế biến chế tạo. Cũng như những đóng góp vào trong cơ cấu xuất khẩu chiếm 72% năm 2017 (con số này năm 2016 là 70%). Điều này cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế của chúng ta vào sự vận hành và vai trò DN FDI là rất lớn. Như vậy sự bền vững và ổn định là chưa cao.
Về xuất khẩu, mặc dù có sự tăng trưởng về mặt hàng và thị trường, số lượng các thị trường kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD không dừng lại ở 25 thị trường mà con số này đã lên con số 29. Tuy nhiên, vẫn thể hiện sự không ổn định và bền vững trong XK do sản phẩm XK vẫn phụ thuộc vào DN FDI, có những ngành như điện thoại thông minh chiếm 99,7% XK, máy tính chiếm 92%....
Yếu tố thứ hai, thể hiện sự không bền vững trong XK đó là các sản phẩm của chúng ta mặc dù có sự tăng trưởng nhất là nông sản và các sản phẩm qua chế biến thể hiện sự tăng trưởng về năng lực sản xuất và XK. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản của chúng ta chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kể cả các sản phẩm có số lượng lớn như cá tra nhưng không có sự ổn định về thương hiệu và thị trường và vẫn gặp phải những rào cản thương mại. Do đó, việc phát triển triển thương hiệu, thị trường còn nhiều việc phải làm để đảm bảo yếu tố bền vững trong tăng trưởng.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ sáng ngày 22/5 |
Mở rộng và phát triển thị trường
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, trong năm 2017, chúng ta có nỗ lực lớn trong việc khai thác các thị trường mới, như châu Âu, Nhật Bản, Úc… các thị trường này trong năm 2017 có mức tăng trưởng rất cao, cho thấy việc phát triển mạnh mẽ hội nhập mở rộng thị trường, đóng góp lớn vào ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu đề ra năm 2018 và những năm tới của Bộ Công Thương đó là củng cố phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường có các ưu đãi về thương mại.
“Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đó là cần có chiến lược phát triển đa dạng thị trường, thị trường tiềm năng, thị trường mới…. Củng cố thị trường quan trọng để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu. Trong đó, cần có chính sách kịp thời tháo gỡ các chính sách bảo hộ mậu dịch mới cũng như các yếu tố bất ổn trong quan hệ đối ngoại”, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trong câu chuyện phát triển thị trường, hiện có 2 hiệp định thương mại tự do gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là 2 khu vực thị trường này rất quan trong xét về tính chất cơ cấu kinh tế cũng như kim ngạch thương mại 2 chiều, thị trường ổn định bền vững.
Để giải bài toán tăng trưởng kinh tế trên nền tảng xuất khẩu bền vững cũng như đa dạng hóa thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần mở rộng đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại là hết sức quan trọng. Nếu EVFTA được ký và phê duyệt cuối năm 2018, thì trong năm 2019, tăng trưởng thương mại sẽ đạt 4-6%, do những tác động của Hiệp định thương mại này đem lại. Chính vì vậy, mục tiêu đặt ra là từ này đến cuối năm phải thúc đẩy ký kết này, qua đó, sẽ tạo ra nền tảng quan trọng.
Liên quan đến việc tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trong đó nhấn mạnh vào khâu chất lượng sản phẩm. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu là yếu tố sống còn, nhất là yếu cầu ngày càng cao, nhất là các hàng rào kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc. Nếu không nâng cao các yếu tố này thì các mặt hàng từ cá tra, đến tôm sẽ gặp những hạn chế và gây ra các thiệt hại lớn cho DN và người nông dân. Do đó, vai trò của các bộ ngành là hết sức quan trọng.
“Chúng tôi không phủ nhận vai trò và trách nhiệm của Bộ Công Thương nhưng cần nhìn nhận một cách lớn hơn và rộng hơn, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của Bộ NN&PTNT trong việc đẩy nhanh hơn nữa kiểm soát sản xuất, chất lượng sản phẩm - đây là yếu tố then chốt” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
TIN LIÊN QUAN | |