Sơn La: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số |
Đa dạng giải pháp xúc tiến du lịch
Với vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Bắc và tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn là những tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các du khách trong và ngoài nước.
Trước yêu cầu đòi hỏi phát triển du lịch Sơn La trong những năm tới, địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch của tỉnh trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế…
Sơn La đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch của tỉnh trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. (Ảnh: ST) |
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La đã tham dự các sự kiện quan trọng, như: Ngày hội du lịch văn hóa Sơn La - Hủa Phăn năm 2024 tại tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2024; Lễ hội văn hóa, du lịch ẩm thực quốc tế - Hà Giang lần thứ nhất I, năm 2024; Lễ hội văn hóa ẩm thực Xứ Thanh năm 2024...
Trung tâm phối hợp với các cơ quan báo chí của trung ương, địa phương để thông tin truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội về các sự kiện, các khu, điểm du lịch đẹp, hấp dẫn của tỉnh. Từ đó, đẩy mạnh kết nối, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt, ẩm thực khác biệt, con người thân thiện, điểm đến hấp dẫn, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Sơn La đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với UBND huyện Mộc Châu, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 53 học viên là đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ về những kiến thức cơ bản về kỹ năng giao tiếp; tổ chức kinh doanh dịch vụ tại homestay...
Về phía các địa phương, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được đặc biệt quan tâm. Đơn cử, huyện Mộc Châu luôn đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động phát triển du lịch, như: Số hóa một số khu, điểm du lịch, tour Mộc Châu vào bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360; ra mắt “Phần mềm ứng dụng du lịch thông minh huyện Mộc Châu”; gắn 10 mã QR phục vụ nghe, xem thuyết minh tự động về Điểm di tích Đồn Mộc Lỵ và Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; tạo lập, quảng bá trên trang fanpage “Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”, nền tảng tiktok và các trang mạng xã hội của nhóm quảng bá du lịch Mộc Châu...
Đặc biệt, huyện Mộc Châu đã làm việc với Công ty IGB thống nhất các nội dung nâng cấp phiên bản 2.0 của phần mềm mocchautour. Theo đó, đến 30/8/2024, huyện chính thức nâng cấp phiên bản 2.0 mocchautour với nhiều ưu điểm, trong đó, có tính năng giúp du khách tìm kiếm thông tin địa điểm tham quan, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng; tính năng giúp quản lý tài khoản, kết nối cộng đồng khách du lịch, quản lý lộ trình di chuyển, đặt dịch vụ và tính năng quản lý dành cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn...
Các địa phương có tiềm năng về du lịch đã thu hút đầu tư các dự án, từng bước xây dựng hạ tầng du lịch, cơ bản hình thành các dịch vụ phục vụ du khách. Đầu tư xây dựng Khu tham quan vui chơi giải trí Hua Tạt Prestige Resort, tôn tạo các di tích, danh thắng gắn với phát triển bản du lịch cộng đồng tại huyện Vân Hồ; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, tâm linh tại huyện Phù Yên, Sông Mã; cải tạo cảnh quan các điểm du lịch cộng đồng tại huyện Mường La; Bắc Yên xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các huyện trong vùng; phát triển các điểm du lịch vùng lòng hồ tại Quỳnh Nhai; xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đèo Pha Đin, huyện Thuận Châu…
Những nỗ lực trong việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu và xúc tiến du lịch đã thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Sơn La. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã đạt trên 3,8 triệu lượt khách du lịch; doanh thu ước đạt khoảng 4.565 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng cường thu hút đầu tư vào du lịch
Tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển, mới đây, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 2117 về việc phê duyệt quy hoạch phân khu số 2, đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Theo đó, phạm vi quy hoạch là phân khu số 2 thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu và một phần các phường Mộc Lỵ, Mộc Sơn, Bình Minh, Thảo Nguyên, Vân Sơn dự kiến gồm các tiểu khu: Chè Đen 1, Chè Đen 2, 26/7, 66, Vườn Đào, Tiền Tiến, 1/5 và một phần các tiểu khu: 19/5, 19/8, Cấp III, 70, 84/85.
Huyện Mộc Châu định hướng phát triển đô thị du lịch, sinh thái kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. (Ảnh: ST) |
Khu vực quy hoạch có tính chất là đô thị du lịch, sinh thái kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; là trung tâm chuyển giao và sản xuất, chế biến công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; là khu vực trung tâm trong đô thị có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội.
Tổ chức không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan kế thừa kiểm soát không gian cảnh quan và cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch chung đô thị Mộc Châu. Tổ chức không gian cho các hoạt động phát triển du lịch trải nghiệm; kiểm soát kiến trúc công trình; phân bố mạng lưới hạ tầng xã hội.
Khu vực quy hoạch có tính chất quy hoạch là khu đô thị du lịch có các chức năng về văn hóa, chính trị, kinh tế, di tích lịch sử… và các chức năng tổng hợp khác gắn với cảnh quan môi trường. Phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới, hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị, bổ sung các tiện ích về thương mại, dịch vụ, liên kết chặt chẽ với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, chỉnh trang, hài hòa với không gian cây xanh, cảnh quan gắn với phát triển du lịch.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin thêm: Ngành du lịch Sơn La quan tâm triển khai là việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch. Các đơn vị, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy phát triển du lịch, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng đối với phát triển du lịch bền vững, nhất là về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc… Tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh, các sự kiện thể thao tạo điểm nhấn cho truyền thông, quảng bá, thu hút khách du lịch. Đào tạo và nâng cao kỹ năng của người lao động trong ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.