Khôi phục lại chợ truyền thống
Sáng 27/8, một số chợ truyền thống tại TP. Đà Nẵng đã được mở cửa trở lại. Trong bối cảnh đầu mối cung ứng các thực phẩm tươi sống tại Đà Nẵng đều đang tạm dừng (chợ đấu mối Hòa Cường cung cấp rau, củ quả; cảng cá Thọ Quang cung cấp thủy hải sản) hoặc mới hoạt động lại một phần (lò mổ tập trung Đà Sơn cung cấp thịt các loại), việc khôi khục lại các chợ truyền thống là sự nỗ lực của TP. Đà Nẵng trong việc tăng nguồn cung cho người dân, đồng thời giảm tải áp lực cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Một số chợ truyền thống tại TP. Đà Nẵng đã mở cửa trở lại với tương đối đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, số lượng mỗi loại hàng hóa chưa nhiều, nhất là rau xanh, thịt, cá, vì vậy, trong ngày đầu tiên, nhiều quầy đã "cháy hàng" |
Các chợ được mở cửa từ ngày 27/8 bao gồm: chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà); chợ Hòa An (quận Cẩm Lệ); và 3 chợ thuộc quận Liên Chiểu gồm: chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô, chợ Hòa Mỹ. Mỗi chợ chỉ có một lượng tiểu thương nhất định được buôn bán với các mặt hàng là nhu yếu phẩm thiết yếu gồm rau củ quả, thịt cá tươi sống, lương thực, gia vị, đồ khô.
Người dân mua thực phẩm thiết yếu tại chợ thông qua tổ điều hành (hoặc tổ Covid – 19, hoặc tổ hỗ trợ). Để giảm tải số người vào chợ cùng một lúc, các phường chia các tổ vào chợ theo từng khung giờ khác nhau trong mỗi ngày.
Là một trong những tổ đầu tiên được vào mua hàng, bà Cù Thị Anh (Tổ 66, phường An Hải Bắc) cho rằng trước những khó khăn khi người dân mua hàng tại siêu thị, việc khôi phục lại hoạt động của các chợ truyền thống là quyết sách đúng đắn của lãnh đạo thành phố, vừa giúp giảm tải áp lực cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; vừa tăng tính chủ động nguồn cung hàng hóa; đồng thời, điểm lớn nhất là giảm thời gian đặt hàng và giao nhận hàng. “Hàng hóa dù không đầy đủ như khi bình thường nhưng nhu yếu phẩm thiết yếu đều có. Mua xong thì về chia cho bà con trong tổ ngay nên rau củ và thực phẩm cũng đảm bảo chất lượng. Về giá hàng hóa theo giá thị trường từng ngày, mua giá thế nào về tính thế ấy”, bà Anh nói.
Đi chợ đại diện cho khoảng 8 hộ gia đình, bà Huỳnh Thị Kim Huệ (tổ 35 phường An Hải Bắc) kiến nghị khi phân chia giờ đi chợ cho các tổ thì hàng hóa cũng nên chia đều theo từng khung giờ để đảm bảo người đến sau cũng sẽ có đầy đủ các mặt hàng.
Tiểu thương Nguyễn Thị Một (hàng rau củ, chợ An Hải Bắc) cho biết được mở quầy đi bán trở lại thì bản thân vừa mừng, vừa áp lực. “Thành phố cho mở cửa trở lại tức là đã khống chế được dịch bệnh tốt hơn, nghỉ chợ đã lâu, đi bán lại thấy rất vui, hi vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. Nhưng trước mắt nguồn hàng cũng chưa thực sự chủ động trong khi nhu cầu lớn nên vẫn chưa đủ phục vụ người dân”, bà Một nói.
Chợ truyền thống mở cửa ngoài giảm tải áp lực cung ứng cho các siêu thị, còn giảm đáng kể thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc người dân nhận được hàng hóa |
Theo ông Phạm Tấn Thành, Trưởng BQL các chợ quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) hiện các nguồn cung cấp rau, cá truyền thống đã bị đứt gãy, đơn vị tìm mọi cách liên lạc và chuyển hàng từ các nơi Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Lạt, Quảng Nam,.. trên cơ sở đó phân bổ cho từng tiểu thương theo số lượng tiểu thương đăng ký (hàng về giờ nào thì phân bổ giờ đó có khi sáng sớm).
Quận Liên Chiểu là khu vực có nhiều chợ truyền thống được mở cửa trở lại sớm nhất, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng BQL các chợ quận Liên Chiểu cho biết, hiện quận đã mở lại 3 chợ truyền thống gồm chợ Hòa Mỹ (10 tiểu thương), chợ Hòa Khánh (20 tiểu thương), chợ Nam Ô (10 tiểu thương) bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu gồm rau củ quả, thịt cá, hàng gia vị. Một số tổ dân phố còn chủ động liên lạc với tiểu thương để nắm bắt các mặt hàng sau đó thông báo cho người dân trong tổ đăng ký, sau đó sẽ đi mua.
Đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng chống Covid – 19
Ghi nhận trong ngày đầu hoạt động trở lại, công tác phòng chống dịch Covid – 19 tại các chợ đều được siết chặt.
Để đảm bảo phòng chống dịch Covid – 19, các tiểu thương được phép buôn bán tại chợ đều thỏa mãn điều kiện là đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid – 19, đồng thời phải bán các mặt hàng thiết yếu và phải nằm trong địa bàn quận nơi đặt chợ.
Bà Huỳnh Thị Kim Huệ cho biết cảm thấy yên tâm khi đến mua hàng hóa tại chợ bởi khoảng cách giữa các gian hàng được giãn rộng với ít nhất 2m; trước mỗi gian hàng đều được giăng tấm bạt trong ngăn cách giữa người bán và người mua,...
Các gian hàng tại chợ đảm bảo giãn cách ít nhất 2m, có chợ lên đến 5m, giữa tiểu thương với người mua có che nilong để chống giọt bắn |
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết, mỗi lối ra vào chợ đều có lực lượng hướng dẫn người dân thực hiện quy định 5K. Lực lượng kiểm soát và tiểu thương đều được tiêm vaccine và xét nghiệm SAR-CoV-2. “Đơn vị quán triệt ngoài những người làm nhiệm vụ thì người dân có thẻ đi chợ và đúng khung giờ mới được vào cửa. Khi vào chợ tuân thủ 5K. Trong mỗi khung giờ tối đa chỉ có 27 người trong chợ, số lượng hạn chế giúp việc giãn cách cũng dễ dàng hơn”, ông Hùng nói.
Đại diện BQL các chợ quận Sơn Trà cho hay, khi có thông báo mở lại chợ, đơn vị phối hợp với phường rào quanh chợ bằng lưới B40 chỉ chừa 2 lối ra và vào; căng tấm bạt trong suốt để tạo thành vách ngăn theo từng gian; vị trí các gian hàng được tạo khoảng cách nhất định và khoảng 40 tiểu thương chia làm 2 ca bán theo ngày chẵn lẻ được tiêm vaccine và xét nghiệm định kỳ.
Chợ Hòa An có khoảng 5 gian hàng bán các thực phẩm thiết yếu. Theo đại diện tổ quản lý chợ, người đến mua hàng phải là đại diện các tổ điều hành; và giới hạn 2 người vào mua hàng một lượt, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người.
“Tiểu thương và người phụ bán ngoài tuân thủ 5K, còn phải mang kính chống giọt bắn, rửa tay thường xuyên. Khách vào chợ sẽ theo từng lượt, không để quá đông người cùng vào một lúc”, đại diện BQL các chợ quận Liên Chiểu thông tin.
Ngày mai (28/8), 2 chợ loại 1 (thuộc Sở Công Thương thành phố quản lý) là chợ Hàn và chợ Cồn cũng sẽ hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban quản lý chợ Hàn (quận Hải Châu) cho biết, sáng nay (27/8), BQL chợ đã phát giấy đi đường (do Công an Đà Nẵng cấp) cho 18 tiểu thương. Chiều nay, các tiểu thương sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2 3 ngày/1 lần, đồng thời sẽ vệ sinh quầy kệ, chuẩn bị mở bán hàng vào ngày mai. Về cách thức mua hàng, chỉ 1 đại diện của mỗi tổ tại mỗi phường (số lượng tổ và thời gian mỗi tổ đi chợ do phường quy định) được vào chợ. Khi mua hàng xong đưa ra điểm tập kết (mỗi phường mỗi điểm) rồi vào mua tiếp. Về nguồn hàng, mặt hàng rau củ quả sẽ do 1 hộ kinh doanh tai chợ lấy hàng sỉ tại Quảng Nam, theo luồng xanh ưu tiên vận chuyển để đưa hàng về chợ. Dự kiến lượng rau củ quả mỗi ngày sẽ cung ứng vào khoảng 6 tấn. Mặt hàng thịt sẽ được lấy từ lò mổ Đà Sơn, các loại thủy hải sản sẽ nhập từ các công ty thủy sản tại cảng cá Thọ Quang và các hộ nuôi lồng bè tại vịnh Mân Quang. Các mặt hàng gia vị, đồ khô, lương thực sẽ có đầu mối các công ty cung ứng. Tương tự, 14 tiểu thương các mặt hàng thiết yếu của chợ Cồn cũng sẽ mở cửa từ ngày 28/8 để cung ứng hàng hóa cho người dân. “Hiện công tác chuẩn bị mở lại chợ đã hoàn tất. Trong đó, chúng tôi xác định công tác đảm bảo phòng chống dịch Covid – 19 vấn đề được đặt lên hàng đầu”, ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng BQL chợ Cồn nói. |