Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk quý I/2022, các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương nhìn chung đều có mức tăng trưởng tốt, đảm bảo năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Xuất khẩu Đắk Lắk quý I/2022 tăng trưởng ấn tượng. |
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ba tháng đầu năm ước đạt 4.103,8 tỷ đồng, tăng 18,7 % so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, tuy gặp nhiều khó khăn trong việc đứt gãy nguồn cung hỗ trợ chế biến chế tạo, doanh nghiệp, nhà máy địa phương vẫn cung ứng đủ sản phẩm ra thị trường. Sản lượng điện thương phẩm ước thực hiện đạt 515 triệu Kwh, đạt 24,5 % kế hoạch, tăng 6,2 % so với cùng kỳ .
Tình hình xuất khẩu của Đắk Lắk đã phục hồi cực kì mạnh mẽ, có những dấu hiệu rất lạc quan khi cà phê nhân Robusta, tiêu, hạt và các mặt hàng cà phê đã qua chế biến được xuất khẩu ở mức khá cao, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tháng 03/2022 ước thực hiện là 115 triệu USD, tăng 2,7 % so với tháng 2/2022. Xuất khẩu quý I ước thực hiện 385 triệu USD, đạt 32,1% kế hoạch, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, về tình hình quy hoạch, đầu tư và hoạt động các cụm công nghiệp (CCN), hiện trên địa bàn tỉnh đang có 166 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 CCN, với tổng diện tích đất 266,2 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 225,5 ha, tỷ lệ lấp đầy 76% diện tích, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu 6.000 tỷ đồng (giảm so với đầu năm do một số dự án xin rút không đầu tư).
Trên địa bàn tỉnh, hiện có 20 dự án thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 833 MW. 02 dự án điện gió công suất 428,8 MW đã đưa vào vận hành phát điện thương mại. Có 10 dự án với công suất 960 MWp đã đưa vào vận hành phát điện thương mại, góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia. Cụm dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 1, Krông Búk 2, Cư Né 1 và Cư Né 2 với tổng công suất 200MW đang triển khai thi công, tiến độ thi công ước đạt 50%.
Xây dựng phương án tối ưu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
Hiện TP. Hồ Chí Minh đã chính thức áp dụng phí sử dụng cảng biển kể từ ngày 01/4/2022, từ các cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với mức phí thấp nhất là 15.000 đồng/tấn, cao nhất 4,4 triệu đồng/container 40 feet. Điều này đã và đang khiến cho các doanh nghiệp tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn khi giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao, thiếu container xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phải thương lượng với nhà nhập khẩu để cùng chia sẻ và đây cũng là xu hướng trong thời gian tới, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Doanh nghiệp xuất khẩu Đắk Lắk cần xây dựng phương án tối ưu cho hoạt động logistics. |
Theo phân tích của Sở Công Thương Đắk Lắk, với một container hàng hoá xuất khẩu, các doanh nghiệp mức phí sẽ tăng thêm trong nội địa 10%, xuất khẩu tăng 300%. Trong thời gian tới, để thích ứng với các khó khăn trên, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục xây dựng phương án kinh doanh tối ưu hoá quy trình sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí đầu vào như nguyên liệu (tìm nguồn cung với số lượng lớn, mức chiết khấu cao hơn...), tự động hoá quá trình sản xuất, cắt giảm chi phí cho hoạt động marketing, lồng ghép tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia và địa phương, đẩy mạnh chuyển đổi số... để có giá thành sản xuất tốt hơn nhằm bù đắp cho chi phí logistics.
Ngoài ra, các hoạt động quy hoạch, đầu tư các dự án năng lượng cũng được UBND tỉnh quan tâm. Hiện có 03 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 85MW , 01 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch và 42 dự án với tổng công suất 9.250,3 MW đang trình bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bên cạnh đó, đến nay có 03 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 480 MWp.