Toàn cảnh buổi gặp gỡ, trao đổi |
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường “đặt hàng” các Đại sứ và Tổng lãnh sự giúp kết nối duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đồng thời giúp ngành tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là giống và công nghệ về chế biến. Bộ trưởng nhắc lại câu chuyện “đặt hàng” với Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức khác tại Geneva tìm hiểu các công nghệ tiên tiến của Thụy Sĩ trong việc chế biến, bảo quản nông sản nói riêng và công nghệ cho ngành nông nghiệp nói chung. Đại sứ Dương Chí Dũng đã trực tiếp lái ô tô đi tới những tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thụy Sỹ để thị sát tận nơi và tập hợp thông tin thành một bộ hồ sơ trong vòng 2 tháng.
Sau đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng Đại sứ Dũng đã giới thiệu những thông tin này trong một hội nghị với sự có mặt của 30 doanh nghiệp lớn của Việt Nam. “Tin vui là sau hội nghị đó, ngày 16/5 vừa qua Tập đoàn Nafoods đã sang tận nơi và được một tập đoàn của Thụy Sỹ giới thiệu toàn bộ những công nghệ chế biến quả chanh leo; một tập đoàn phân phối đã đặt hàng luôn, kể cả quả chanh leo chúng ta xuất tươi bằng công nghệ của bạn là cô lạnh âm 16 độ” - Bộ trưởng vui vẻ thông báo kết quả.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, bây giờ không bán được hàng có nghĩa là sản xuất thụt lùi”. Chính vì thế, Bộ trưởng mong muốn “đặt hàng” các Đại sứ, Tổng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp ngành nông nghiệp duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các thị trường mới có nhiều tiềm năng như Ấn Độ, các nước châu Phi... Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng mong muốn các Đại sứ, Tổng lãnh sự giúp ngành tiếp cận với những công nghệ hiện đại của các nước phát triển, nhất là về giống tôm, rau hoa và công nghệ chế biến nông sản.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối phó về sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, biến đổi khí hậu và áp lực hội nhập, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải tái cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, sản xuất chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường chế biến. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đơn cử: “Riêng con tôm, cần nhiều công nghệ mới, công nghệ nguồn mà hiện nay một số công ty Mỹ đi trước để tạo ra con bố mẹ. Việt Nam hiện nay tạo ra con post giống 100%, đã nghiên cứu con bố mẹ được khoảng 20%; lộ trình đến năm 2020 sau đó tự lực, nhưng muốn tiếp cận khoa học công nghệ mới nhất” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công nghệ vi sinh để tạo ra các sản phẩm môi trường, công nghệ để tạo ra thức ăn, đặc biệt phi truyền thống rũng rất quan trọng.
Các Đại sứ đánh giá rất cao về những “đơn đặt hàng” của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và bày tỏ quyết tâm sẽ thực hiện để giúp ngành nông nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận với những công nghệ sản xuất, chế biến mới của thế giới. Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT cần “đặt hàng” mở thị trường từng mặt hàng cụ thể cũng như những công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để các Đại sứ, Tổng lãnh sự thực hiện và Bộ Ngoại giao sẽ coi đây là một chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý ngành nông nghiệp cần sớm xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu để có thể duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, một trong những nội dung mà Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quan tâm trong thời gian tới là tiếp tục duy trì và đột phá mở cửa thị trường đối với những thị trường truyền thống như EU, Mỹ... cũng như các thị trường mới, có nhiều tiềm năng.