Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm |
Tiềm năng lớn từ thị trường nông thôn
Báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, tăng trưởng của tổng doanh thu bán lẻ ngành FMCG trên thế giới hiện đang ở mức khoảng 4% mỗi năm. Cùng với tăng trưởng trong ngành FMCG truyền thống, tổng doanh số bán lẻ trên kênh thương mại điện tử của ngành hàng này cũng đang tăng vượt trội, dự kiến đạt 2.100 tỷ USD vào năm 2020, tăng 20%.
Tại Việt Nam, ngành FMCG vẫn có những bước tăng trưởng tương đối ổn định. Cụ thể, năm 2017, trong quý I, do trùng với dịp Tết, nhu cầu các mặt hàng FMCG tăng cao nên ngành hàng này tăng trưởng mạnh với 7,3%. Hai quý gần đây, xu hướng tăng trưởng chậm lại (quý II 5,5%; quý III 4,3%) nhưng vẫn cao hơn mức tăng trung bình toàn cầu (4%). Quý III, hầu hết các ngành hàng lớn đều chứng kiến sự tăng trưởng dương như ngành thực phẩm tăng trưởng 7,8%; sữa tăng 1,3%; sản phẩm chăm sóc gia đình tăng 8,2%; sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 3,9% và thuốc lá tăng 5,1%...
Thực tế, các sản phẩm hay ngành hàng có độ an toàn thấp, không tốt cho sức khỏe đang mất dần khách hàng, trong khi những sản phẩm đáp ứng nhu cầu này và có tính tiện lợi tốt hơn trở thành lựa chọn ưu tiên đối với phần lớn người tiêu dùng. Đây là xu hướng các DN ngành FMCG phải chú tâm.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng ở khu vực nông thôn - nơi đang có 60% dân số sinh sống với thu nhập ngày càng được cải thiện. Người tiêu dùng nông thôn cũng sẵn sàng chi trả cho hàng hóa, dịch vụ có chất lượng từ khá đến cao.
Cơ hội tăng trưởng
Dự báo, từ nay đến cuối năm, ngành FMCG sẽ còn cơ hội tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo mới nhất được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố, kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện, sản xuất nông nghiệp hồi phục, xuất khẩu, FDI và bán lẻ tăng trưởng liên tục. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu 6,5% vào cuối năm 2017, kéo theo tăng trưởng của nhiều ngành hàng, trong đó có FMCG.
Thị trường FMCG sẽ tăng ở hầu hết khu vực thành thị. Thị trường nông thôn cũng có nhiều chuyển biến tích cực, mặc dù sản lượng tiêu dùng hồi phục chậm hơn. Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng như khăn giấy hộp, nước giặt, nước rửa tay… tăng liên tục nhờ xu hướng ưu tiên sự tiện lợi và chú trọng vệ sinh hơn của người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Ngành hàng thức uống cũng đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bia và thức uống giải khát.
Theo Nielsen, có nhiều cách để ngành FMCG tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận. Đáng chú ý, trong thời đại của công nghệ số như hiện nay, đã đến lúc các doanh nghiệp FMCG cần phải tập trung vào nguồn tăng trưởng mới là thương mại điện tử (TMĐT). Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện doanh số bán hàng qua TMĐT mới chỉ đạt gần 4 tỷ USD, mục tiêu sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, với thu nhập tăng, chất lượng đời sống được cải thiện, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm.
Bộ Công Thương khuyến cáo, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng khá cao trong những tháng cuối năm. Các địa phương, hiệp hội, DN cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá ngay từ thời điểm này. |