Bộc lộ nhiều bất cập
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2; đồng thời, đang tiếp tục triển khai 401 dự án, quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2. Trong đó đã hoàn thành đầu tư xây dựng 126 dự án nhà ở công nhân, quy mô khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.
Phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của người lao động |
Với kết quả này đã giúp nhiều công nhân có chỗ ở an toàn. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu lớn cũng như yêu cầu đặt ra.
Giới chuyên gia cũng nhận định, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tập trung khắc phục sớm nhất có thể.
Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như về đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua - bán.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội…
Phù hợp khả năng chi trả của người lao động
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì lập Đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, và phải hoàn thành trong tháng 8/2022. Mục tiêu hướng tới trong phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện quy định để triển khai hiệu quả... Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở; nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó…
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội...
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg, Quyết định số 1729/QĐ-TTg về đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...