Những năm (1979-1980) căng thẳng giữa Iran và Iraq khiến Iran (đứng thứ 4 thế giới về tiềm năng dự trữ và xuất khẩu dầu mỏ) buộc phải tạm dừng sản xuất dầu lửa. Giá dầu thời kỳ này đã tăng hơn gấp đôi, từ 13 USD/thùng lên 34 USD/thùng.
Chiến tranh vùng Vịnh (1990) cũng khiến giá dầu tăng vọt. Việc Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận thương mại với Iraq và Kuwait, khiến giá dầu tăng từ 15 USD/thùng vào tháng 7/1990 lên 42 USD/thùng vào tháng 10 năm đó.
Những cú sốc lớn tiếp theo xảy ra vào các giai đoạn 2005-2008 và 2010-2014 do nhu cầu tăng vọt, nhất là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Ảnh minh họa |
Được duy trì âm ỉ kéo dài suốt hàng thập kỷ qua, cuộc chiến dầu mỏ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đang ngày càng nóng và bột phát bởi những động lực chính trị và biểu hiện dưới nhiều hình thái mới, chưa từng có:
Thứ nhất, hội tụ mức tăng đồng thời cung, cầu, giá cả dầu, khí và than trên thế giới.
Giá dầu thô Brent đã tăng tới 18% lên mức 139,13 USD/thùng (cao nhất kể từ tháng 7/2008) trong phiên giao dịch mở cửa sáng 7/3, dù sau đó hạ xuống còn 128,02 USD/thùng… Trong tuần đầu tháng 3/2022, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 và dầu WTI lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Giá dầu thô đã ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2020, với giá dầu Brent tăng 21%, còn giá dầu WTI tăng 26%.
Đồng thời, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu ngày 7/3 đạt mức kỷ lục, tăng 6,23% lên 5,061 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2022 và đã chạm mốc hơn 200 euro (tương đương 218 USD)/MWh. Trong khi đó, tại Australia, giá than giao sau vượt 400 USD/tấn.
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 30/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 106,3 USD/thùng, tăng 2,05 USD, tương đương 1,97%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 bám trụ ở mức 110,2 USD/thùng.
Biểu đồ giá dầu từ 1970-2014. (Đồ họa: The Conversation, dữ liệu nguồn: Bộ Năng lượng Mỹ) |
Việc tăng giá dầu mỏ lần này diễn ra trong khi tổng nguồn cung dầu mỏ và khí đốt trên thế giới không giảm, kể cả từ Nga và tổng cầu tăng gắn với phục hồi kinh tế và gia tăng tích lũy vì e ngại căng thẳng xung đột Nga - Ucraina.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho các thị trường thế giới, mặc dù Mỹ và các đồng minh châu Âu gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong khi đó, Tổ chức Các cước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) tại cuộc họp ngày 2/3/2022 đã ra quyết định giữ nguyên kế hoạch chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.
Thứ hai, gia tăng xu hướng đảo chiều thị trường dầu mỏ truyền thống.
Chưa bao giờ thế giới chứng kiến sự đảo chiều chấn động toàn cầu về nguồn cung dầu mỏ và khí đốt .
Giá dầu thế giới tăng vọt gắn với các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Dầu Urals của Nga chiết khấu, giảm giá lên đến 20 USD/thùng so với dầu Brent Biển Bắc bởi người mua lo ngại về những rắc rối có thể xảy ra liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm, logistics, tín dụng thư… cũng như khả năng có thêm biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Khách hàng, đặc biệt là những nhà nhập khẩu ở châu Âu, đã bắt đầu chuyển sang nhập khẩu dầu từ Trung Đông.
Sự đáp trả của Nga cũng khiến cuộc chiến dầu mỏ nóng bỏng và phức tạp thêm: Ngày 6/3, trang Twitter của Hãng tin Nga RT đăng thông tin, Moscow dường như đã dừng chuyển khí đốt đến hướng Tây qua đường ống Yamal-Europe vốn đang cung cấp gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Reuters ngày 4/3 cũng đưa tin rằng, dòng khí đốt chảy về hướng Tây qua Yamal-Europe đã ngừng vào ngày 4/3.
Tuy nhiên, ngày 5/3, Thông tấn xã Nga Tass cho biết, Gazprom đặt kế hoạch bơm khí đốt bổ sung qua đường ống Yamal-Europe. Tass ngày 4/3 cũng dẫn lời phát ngôn viên Sergey Kupriyanov của Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho hay, công ty này "tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine như bình thường, theo yêu cầu của các khách hàng châu Âu - 109,5 triệu m3 vào ngày 4/3".
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, chiếm 6% trữ lượng dầu mỏ và 20% trữ lượng khí đốt tự nhiên trên thế giới, năm 2020, Nga là nhà sản xuất dầu mỏ và chất lỏng khác lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Saudi Arabia) và là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ).
Mỗi ngày, Nga xuất khẩu 4-5 triệu thùng dầu và chuyên chở khoảng 2,5 triệu thùng dầu sang châu Âu để đáp ứng hơn 25% nhu cầu dầu thô của cả Liên minh châu Âu (EU); trong đó, 1/3 sản lượng này là qua tuyến đường ống Druzhba chạy qua lãnh thổ Belarus. Châu Âu là thị trường chính của Nga về xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Và cũng là nguồn thu chính của nước này. Đổi lại, Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên chính cho châu Âu; trong đó, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga tiếp theo là Italy và Pháp.
Do áp lực từ các lệnh trừng phạt Nga, nhiều người mua truyền thống của Nga đang và có thể tạm dừng, giảm quy mô nhập khẩu dầu, khí từ Nga. Theo Công ty dữ liệu Kple, ngày 24/3, khối lượng xuất khẩu dầu đường biển của Nga ở mức 2,3 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn gần 2 triệu thùng so với ngày 1/3. Tuy nhiên, đối với một số nước như Trung Quốc và Ấn Độ, dầu Nga đang hấp dẫn bởi giá thấp hơn nhiều so với các nguồn cung khác. Điều này có thể tạo ra một sự thay đổi lâu dài đối với các mô hình thương mại toàn cầu.
Với tổng lượng dầu nhập khẩu trong năm 2021 đạt 512,98 triệu tấn, tương đương 10,3 triệu thùng/ngày, Trung Quốc luôn đứng đầu trong danh sách những nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, chiếm tới 44% tăng trưởng nhập khẩu dầu toàn cầu và trở thành nhân tố chính ảnh hưởng tới biến động giá dầu. Trung Quốc hiện nhập khẩu dầu từ hơn 40 quốc gia và Ả Rập Xê-út là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu. Tuy nhiên, vị trí này có thể sẽ thay đổi nếu Nga chỉnh hướng trọng tâm thị trường xuất khẩu năng lượng của mình sang châu Á trong thời gian tới.
Thứ ba, khó đoán định triển vọng cả về giá cả và xu hướng thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, chắc chắn việc phương Tây trừng phạt Nga khiến cho giá năng lượng tăng phi mã và tác động tiêu cực tới nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu hậu Covid-19.
Về triển vọng năm 2022 giá dầu khó xuống mức năm 2021, mà có thể tiếp tục tăng tới ngưỡng mới là 125 USD/thùng và cao hơn nữa, thậm chí trên 150 USD/thùng. Riêng Bank of America (Mỹ) còn bi quan hơn khi cho rằng, nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày hoặc cao hơn và khi đó giá dầu mỏ có thể lên tới 200 USD/thùng.
Theo Oxford Economics, nếu giao tranh ở Ukraine kéo dài đến năm 2023, Nga cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu trong 6 tháng nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt, lạm phát của khu vực đồng EUR sẽ đạt đỉnh hơn 7% trong quý III/2022 và ở Anh sẽ vượt quá 10%, còn tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm 1,1 điểm phần trăm.
Thị trường dầu mỏ thế giới thời gian tới sẽ chịu sự chi phối sâu sắc và kéo dài như là hệ quả của những chuyển dịch địa chính trị và địa kinh tế quốc tế nói chung, cũng như về các hợp đồng dầu mỏ liên quốc gia nói riêng. Đặc biệt, cuộc chiến dầu mỏ sẽ ngày càng gắn chặt với cuộc chiến toàn diện do Mỹ phát động nhằm kiềm chế sức mạnh kinh tế (năm 2021 xuất khẩu của Nga đạt tổng cộng 493,3 tỷ USD, trong đó năng lượng chiếm 59,3%) và sự trỗi dậy về địa chính trị của Nga, được bổ sung thêm bởi cuộc chiến thông tin, tâm lý và sự căng thẳng quan hệ Nga - Ucraina. Do đó, rất khó đoán định cả về xu hướng và thời gian.
Dư luận thế giới cho rằng, sẽ rất khó để tìm được một thỏa thuận trong OPEC+ về việc tăng sản lượng, do hầu hết các thành viên đều có sản lượng ở mức tối đa và chính Nga cũng là một thành viên trong số đó... Tính trung lập của các quốc gia vùng Vịnh đối với tình hình chiến sự Ukraine phản ánh mối quan hệ sâu sắc với Nga. Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cũng như Arập Xêút, đồng minh lâu năm của Mỹ, muốn duy trì hợp tác với Nga trong các vấn đề năng lượng và địa chính trị.
Thực tế, các nước vùng Vịnh nói riêng và toàn bộ thế giới Arập nói chung kiên định ý chí của họ trong việc thích ứng với kỷ nguyên đa cực, trong đó Trung Quốc và Nga đóng vai trò dẫn đầu, coi Nga về lâu dài là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng một kiến trúc an ninh mới, kể cả ở khu vực chiến lược Trung Đông, đặc biệt là vào thời điểm mà các liên minh cũ với phương Tây không còn khả quan, ở các mức độ khác nhau.
Hơn nữa, Arập Xêút, UAE, Kuwait và Iraq, là những thành viên OPEC có thể cung cấp thêm nhiều dầu hơn, với khoảng 2,5-3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, việc “bơm” vào thị trường khối lượng dầu bổ sung như thế vẫn sẽ không bù đắp nổi sự sụt giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga.
Nhằm giảm sức mạnh tài chính và phụ thuộc của Nga từ cung cấp dầu khí, có thể Mỹ và các nước phương Tây sẽ tăng nhanh sản lượng khai thác và tự bảo đảm năng lượng trong nước và tìm kiếm nguồn thay thế ngoài Nga.
Nguồn cung thiếu hụt, Mỹ và nhiều nước lớn phải dùng đến kho dự trữ chiến lược để cải thiện giá cả, song khó có thể kéo dài biện pháp này do giới hạn quy mô dự trữ dầu mỏ của mỗi nước. Nhiều chính quyền châu Âu sẽ phải can thiệp trực tiếp, như yêu cầu các hộ gia đình giảm tiêu thụ năng lượng chạy bằng khí đốt.
TS. Nguyễn Minh Phong |
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng đưa ra bản kế hoạch 10 điểm để châu Âu giảm 1/3 nguồn khí đốt từ Nga ngay trong năm 2022. Giám đốc IEA Fatih Birol cho rằng, các nước châu Âu không nên gia hạn hợp đồng với Tập đoàn Gazprom (Nga) khi hết hạn vào năm 2022 và cần tăng cường xây dựng năng lượng dữ trữ khí đốt, tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng, đẩy nhanh lộ trình chuyển sang năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, đó là điều không dễ dàng; không chỉ châu Âu dễ bị tổn thương trước việc bị cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ở Mỹ, giá dầu tăng cao cũng là vấn đề rất nhạy cảm với người dân nước này. Cả Mỹ và châu Âu đều không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu. Đặc biệt, giới chính trị gia tại các nước phụ thuộc năng lượng của Nga lo ngại điều đó có thể khiến cử tri sẽ quay sang phản đối chính quyền khi đối mặt với giá nhiên liệu, xăng dầu tăng.
Nga đang là nhà cung cấp dầu thô, khí đốt và than đá chính của EU. Thay thế nguồn cung khí đốt Nga là điều "nói dễ hơn làm" do hạn chế cả về cở sở hạ tầng và nguồn cung thay thế, cũng như giá cả và các chi phí cơ hội khác.
Nói như Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp, bà Barbara Pompili tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU ngày 28/2/2022 để thảo luận cách thức giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga: EU dù hiện có đủ nguồn dữ trữ khí đốt và dầu mỏ để tránh đứt gãy trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn còn nhiều khó khăn... Còn Kadri Simson, Ủy viên Năng lượng EU, khẳng định tại Nghị viện châu Âu hôm 3/3: Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng, hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình…!
Dù Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhu cầu dầu mỏ của nước này vẫn vượt xa so với sản lượng nội địa. Mỹ vẫn cần nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, Canada, Mexico và Arập Xêút và nhiều nước khác; trong đó, Nga cung cấp cho Mỹ khoảng 8% dầu mỏ và sản phẩm đã qua tinh chế (khoảng 3% nhập khẩu dầu thô) mà Mỹ nhập khẩu trong năm 2021 (tương đương 672.000 thùng/ngày).
Trong bối cảnh đó, có thể Mỹ sẽ buộc phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ đối của Venezuela và tìm cách gia tăng nguồn cung dầu trong nước cho bản thân và thế giới từ nguồn dầu khí đá phiến mà họ đang đi đầu trong công nghệ. Ngày 24/3, Mỹ và EU đã công bố thỏa thuận khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga.
Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp cho EU thêm 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tương đương khoảng 1/3 lượng khí đốt mà Nga bơm sang Đức trong năm 2022. Nhiều quan ngại rằng, việc thay thế khí đốt của Nga bằng LNG từ Mỹ sẽ không giúp đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn đe dọa các mục tiêu khí hậu dài hạn do tăng sử dụng công nghệ khai thác dầu khí đá phiến vốn đã bị cấm ở hầu hết châu Âu vì sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm nước ngầm và do lượng phát thải mêtan cao của loại nhiên liệu này …
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cần thiết như các cảng nhập sẽ mất 2-3 năm để xây dựng, khiến mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022 và loại bỏ hoàn toàn trước năm 2030 của Liên minh châu Âu là bất khả thi (năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 25% dầu từ Nga; Nga hiện cung cấp khoảng 175 tỷ m3 mỗi năm cho khối này).
Việc cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga sẽ đặt châu Âu vào trọng tâm đảm bảo các nguồn nhiên liệu hóa thạch thay thế và thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Âu khỏi dầu, khí đốt và than đá, đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cũng như thúc đẩy các sáng kiến tiết kiệm và sử dụng năng lượng mặt trời hiệu quả. EU đã cam kết giảm 55% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990 vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 cho đến năm 2050.
Về tổng thể, trong bối cảnh nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới đã gần chạm các mức trước đại dịch, thì sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và không tăng nguồn cung từ OPEC + gắn với cuộc chiến cấm vận dầu mỏ đa mục tiêu do Mỹ thao túng đang và sẽ tiếp tục làm trầm trọng hơn tình hình thiếu hụt nguồn cung và chêch dòng chảy năng lượng trên toàn cầu trong thời gian tới.
Giá dầu cao, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu truyền thống cùng với dịch Covid-19 đã, đang và sẽ là cộng lực thúc đẩy lạm phát và nợ công, cùng với những áp lực an sinh xã hội tăng cao… Tất cả đòi hỏi các bên liên quan sớm tìm các giải pháp phù hợp mới trên cơ sở bảo đảm an ninh chính đáng, hài hòa lợi ích và phát triển bền vững, nếu không muốn nhận thêm những thảm họa nhân tạo với quy mô và hệ lụy mới, nặng nề hơn, cả trong ngành năng lượng, cũng như trong các lĩnh vực kinh tế khác, cả vĩ mô và vi mô, cả ở mỗi nước và trên phạm vi toàn cầu….
Đối với Việt Nam, để giảm thiểu tác động tiêu cực của tăng giá xăng dầu, cần: Một mặt, chủ động xây dựng các kịch bản và các giải pháp thích ứng hiệu quả trên cơ sở bám sát và dự báo tốt, tăng cường chất lượng thông tin về những biến động thị trường và địa chính trị quốc tế trong thời gian tới; chủ động đa dạng hóa nguồn cung dầu trong nước và thế giới; tìm cách tiếp cận an toàn với nguồn dầu giá rẻ và với phương thức thanh toán phù hợp; tăng dự trữ quốc gia về dầu mỏ và thay đổi cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện hành theo hướng chuyển nhập quỹ này vào quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia; linh hoạt hóa mức thu ngân sách nhà nước và giảm các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu;
Mặt khác, cần chủ động gia tăng sản xuất và sử dụng các năng lượng thay thế phi dầu mỏ, nhất là năng lượng sạch, tái tạo; đồng thời, vận động người dân, doanh nghiệp tiết giảm sử dụng xăng dầu cả trong sản xuất kinh doanh và trong sinh hoạt; nghiêm cấm và xử phạt kịp thời đủ sức răn đe các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm giữ gây khan hiếm giả tạo xăng dàu trên thị trường…/.