Trong nhiều năm gần đây, EVN đã chủ động tích cực thực hiện Nghị quyết số 09 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) bằng những việc làm thiết thực.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, bên cạnh việc xây dựng hệ thống điện vững chắc, đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, EVN đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đưa điện ra các huyện đảo, xã đảo trên cả nước. Dù gặp không ít khó khăn về nguồn vốn; công tác giải phóng mặt bằng; điều kiện thi công phức tạp, thời tiết biển khắc nghiệt, việc vận chuyển vật tư, thiết bị đầy nan giải, năm 2013-2014, EVN đã hoàn thành các dự án cáp ngầm vượt biển, đưa điện từ đất liền ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn.
Trong năm 2015, EVN đã hoàn thành cấp điện cho Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải (Kiên Giang), xã đảo Thạnh An- Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh); 5 xã đảo Vân Đồn (Quảng Ninh); hoàn thành dự án 100% số xã tỉnh Lai Châu; khởi công cấp điện cho xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang), xã đảo Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) và cụm đảo Cù Lao Chàm; xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam); ngoài ra, còn tiếp nhận quản lý bán điện ở huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP. Hải Phòng) và đảo bé Lý Sơn (Quảng Ngãi); chuẩn bị hỗ trợ hệ thống điện ở Trường Sa từ năm 2016. Như vậy tính đến hết năm 2015, EVN đã tiếp nhận, quản lý bán cấp điện và chuẩn bị cấp điện cho 10/12 huyện đảo trên cả nước.
Trên thực tế, chỉ sau 1-2 năm có điện, kinh tế - xã hội của các huyện đảo đã có bước phát triển toàn diện, vượt bậc, đặc biệt là ngành khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy - hải sản, du lịch. Hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển, âu thuyền neo đậu - tránh trú bão... được xây dựng mở rộng; các cơ sở dịch vụ nghề cá như cơ sở đóng tàu, thuyền; ngư cụ; sản xuất nước đá, cơ sở thu mua, chế biến thủy - hải sản... phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.
Đơn cử như Lý Sơn, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 18,7 triệu đồng/người nhưng sau 1 năm có điện, con số này đã đạt trên 21 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 150 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến Lý Sơn ước tính khoảng 100.000 lượt khách. Hay như ở huyện Cô Tô, năm 2013 (trước khi có điện) thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm nhưng đến nay đã tăng lên 35 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,79% xuống còn 0,49%.
Còn ở Phú Quốc (Kiên Giang), việc có điện cũng đã góp phần đưa kinh tế - xã hội huyện đảo trong giai đoạn 2011-2015 thay đổi toàn diện. Kinh tế tăng trưởng bình quân 27,52%/năm; lượng khách du lịch tăng 3,55 lần. Kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng 11,4%/năm, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 75,6% GDP của Kiên Giang.
Việc đầu tư của ngành Điện đã làm thay đổi diện mạo kinh tế- xã hội các huyện đảo, đồng thời là căn cứ quan trọng, tạo động lực để các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiều mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tới. |