Điều độ huy động nguồn điện được thực hiện minh bạch, rõ ràng
Mức tiêu thụ điện giảm mạnh
Theo thông tin từ EVN, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam. Nhiều doanh nghiệp hoạt động đình trệ, cầm chừng. Đặc biệt từ đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện trở lại đây đã ảnh hưởng lớn nhiều mặt như đến sản xuất điện. Nhu cầu phụ tải hệ thống điện thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng đến việc lập phương thức vận hành hệ thống điện.
Cụ thể, phụ tải miền Nam trong các tháng 8-9/2021 đã giảm thấp dẫn đến khó khăn trong việc lập kế hoạch huy động nguồn và đảm bảo duy trì chế độ vận hành an toàn hệ thống điện miền Nam, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ thâm nhập nguồn năng lượng tái tạo tăng cao.
Thống kê từ EVN cho thấy, mức tiêu thụ điện toàn quốc trong 2 tuần đầu tháng 9 vừa qua giảm thấp hơn 24% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7, và thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời mức tiêu thụ điện toàn miền Nam trong 2 tuần đầu tháng 9 vừa qua thấp hơn tới 29% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7 và thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020.
"Do đó, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia khi tiêu thụ điện xuống thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều loại hình nguồn điện bắt buộc phải giảm phát để đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện” - Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho hay.
Theo Bộ Công Thương việc thực hiện tiết giảm công suất phát là tình huống bất khả kháng do các diễn biến tiêu thụ điện bất thường trong thời gian qua |
Ông Ngô Sơn Hải thông tin thêm, việc huy động nguồn điện được thực hiện bởi Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0). Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, tuân thủ đúng các thông tư của Bộ Công Thương về vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện. Theo đó, việc chỉ huy điều độ cần phải đảm bảo phù hợp cơ cấu nguồn điện, công suất truyền tải liên vùng/miền, đảm bảo mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết...
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các đơn vị phát điện cần phối hợp chặt chẽ với A0 và các cấp điều độ trong việc chấp hành nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, nhất là khi mức độ tiêu thụ điện giảm thấp do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Các đơn vị phát điện có đấu nối và phát điện vào hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm tuân thủ nghiêm phương thức vận hành, mệnh lệnh điều độ của cấp điều độ có quyền điều khiển và kiểm tra theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BCT quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, Thông tư số 31/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm.
Theo đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng tái tạo tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn tới nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng rất thấp, kéo theo tình trạng dư thừa công suất phát của hệ thống.
Do đó, việc thực hiện tiết giảm công suất phát là tình huống bất khả kháng do các diễn biến tiêu thụ điện bất thường trong thời gian vừa qua và đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn, an ninh hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao (thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia) nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Mặc dù A0 đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất, do đó A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn điện để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, ảnh hương tới tuổi thọ thiết bị, gây tổn hại nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sống nhân dân trên cả nước.
Thực hiện đồng đều giữa các loại hình
Tình hình phụ tải giảm thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không chỉ tác động đến các nhà đầu tư nguồn điện mà cũng ảnh hưởng rất lớn về nhiều mặt đối với EVN nói riêng và toàn bộ ngành kinh tế nói chung. Đại diện EVN bày tỏ, hy vọng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và từng bước khôi phục sản xuất, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng trở lại và tình hình sẽ bớt khó khăn hơn. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư nguồn điện cùng chia sẻ khó khăn chung.
“EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng các đường dây truyền tải theo quy hoạch để giải toả nguồn điện; kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về điều chỉnh tiến độ các nguồn mới trong thời gian tới, phân bổ nguồn mới trong quy hoạch phù hợp với nhu cầu sử dụng điện từng khu vực; kiến nghị đầu tư các nguồn điện tích trữ linh hoạt để chuyển dịch phát điện các giờ khác nhau…” - Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.
Đặc biệt, để tăng cường thông tin công khai, minh bạch về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, EVN thông tin, A0 sẽ công bố vào cuối giờ chiều hàng ngày số liệu về dự kiến công suất nguồn điện được huy động của ngày hôm sau theo từng loại hình nguồn điện vào các thời điểm như thấp điểm trưa và cao điểm chiều-tối. Các thông tin về vận hành được A0 đăng tải trên trang web của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và cũng được EVN đăng tải từ ngày 27/9/2021 trên trang web của Tập đoàn.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đã có hướng dẫn EVN và A0. Trong đó yêu cầu EVN và A0 tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết… tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định 478/QĐ-BCT (ngày 9/2/2021) về việc dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục yêu cầu EVN và các đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình vận hành thực tế của hệ thống điện. Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu EVN nghiên cứu, xây dựng nguyên tắc huy động, điều độ hệ thống điện tổng thể trong cả ngắn hạn và dài hạn trên cơ sở rà soát, tính toán kỹ và kiểm tra, đánh giá với các tình huống và kịch bản cơ cấu nguồn điện khác nhau trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dù sửa đổi thế nào thì vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là an toàn vận hành hệ thống điện phải luôn được bảo đảm trong mọi trường hợp. Các nhà máy điện; trong đó có các nguồn điện năng lượng tái tạo phải tuyệt đối tuân thủ lệnh điều độ trong các trường hợp thừa nguồn, thiếu nguồn, quá tải đường dây và trạm. Điều này đã được nêu rõ trong các quy định hiện hành về điều độ hệ thống điện.