Trong giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác |
Giao dịch mua - bán qua mạng internet đang là xu hướng tất yếu, với tốc độ cứ sau khoảng 4 năm doanh thu tăng lên gấp đôi, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu đang ngày càng lớn về quy mô và mức độ phủ rộng. Cùng với đó, được dự báo cán mốc 900 - 1.000 tỷ USD, chiếm 22% tổng giá trị TMĐT toàn cầu vào năm 2020, TMĐT xuyên biên giới cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho cả người tiêu dùng và DN.
Bộ Công Thương vừa đưa ra thông tin cảnh báo từ Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (bang Texas - Hoa Kỳ). Cụ thể, thời gian qua, Chi nhánh thương vụ đã nhận được một số đề nghị từ phía DN Việt Nam yêu cầu hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong quá trình giao dịch thương mại với DN Hoa Kỳ. Trong quá trình giao dịch, DN Việt Nam (bên mua) đã chuyển tiền vào tài khoản bên bán theo số tài khoản mà bên bán cung cấp qua email. Tuy nhiên, đây là những tài khoản giả mạo do hộp thư điện tử của bên bán bị kẻ lừa đảo đột nhập (hack) để gửi thông tin giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (Bộ Công Thương) cũng đã nhận được một số đề nghị từ phía DN Việt Nam về việc hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong quá trình liên hệ và giao dịch thương mại với DN Thái Lan. Lợi dụng tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số DN Việt Nam nên đã xảy ra nhiều vụ việc DN Thái Lan lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng.
Các chuyên gia khuyến cáo các DN, điều quan trọng nhất khi hợp tác làm ăn, mua - bán xuất nhập khẩu là điều tra kỹ đối tác, vì dù hợp đồng quy định có chặt chẽ đến thế nào, mà đối tác không có thiện chí thì việc kinh doanh, thu hồi nợ sẽ gặp khó khăn. Theo Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston, để tránh những trường hợp đáng tiếc trong quá trình giao dịch, đối với các đối tác truyền thống, khi thấy bất kỳ sự thay đổi trong địa chỉ liên lạc, đặc biệt là có sự thay đổi về tài khoản ngân hàng, DN cần gọi điện liên lạc trực tiếp với đối tác để xác minh lại thông tin tránh trường hợp email của đối tác bị đột nhập và gửi thông tin giả mạo. Bên cạnh đó, DN cần đặc biệt lưu ý đối với những thông tin tài khoản giao dịch đáng ngờ.
Ngoài ra, DN cần kiểm tra kỹ thông tin của đối tác, ngoài các thông tin cơ bản như địa chỉ, tên miền, điện thoại, thông tin đăng ký,... các DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thông tin qua các kênh khác nhau. Nếu công ty đối tác là thành viên của tổ chức hoặc hiệp hội ngành nghề uy tín thì mức độ tin cậy có thể coi là cao hơn do các hiệp hội/tổ chức thường rà soát kỹ tư cách hội viên.
Liên quan đến vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cảnh báo các DN cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, đặc biệt đối với các đối tác mới giao dịch. Trong trường hợp xảy ra lừa đảo do gửi tiền vào tài khoản giả mạo, DN cần thông báo ngay cho ngân hàng và đề nghị ngân hàng thông báo cho người nhận áp dụng các biện pháp cần thiết và có thể để phong tỏa tài khoản người nhận…
Theo Bộ Công Thương, trong giao dịch thương mại quốc tế, các DN cần tìm hiểu thị trường, kiểm tra, đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian. |