Mối lo thực phẩm "bẩn" vẫn đe dọa người tiêu dùng |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINATAS) cho biết: Mục đích của sự lựa chọn này là dành sự quan tâm nhiều hơn của xã hội đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sử dụng thực phẩm một cách hợp lý, tránh lãng phí cũng như lạm dụng; nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra phát hiện, xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với sức khỏe người tiêu dùng; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hợp lý, lành mạnh thực phẩm. Đó là thông điệp mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam muốn gửi đi nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay.
Để phối hợp hành động trong phong trào bảo vệ người tiêu dùng trên toàn thế giới, hàng năm, vào Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3, căn cứ vào những vấn đề đáng quan tâm trong năm, CI đều đưa ra chủ đề cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng cho năm đó. Chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới (WCRD) năm 2015 do CI đưa ra là: “Dinh dưỡng lành mạnh”.
Lý do chọn chủ đề này, theo CI, là vì chế độ ăn uống không lành mạnh liên quan đến bốn trong mười nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên toàn thế giới: thừa cân và béo phì, huyết áp cao, đường huyết cao và cholesterol cao. Chi phí chống béo phì được ước tính trị giá 2 nghìn tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, đã đến lúc thế giới phải nhận ra cái giá phải trả cho chế độ ăn, uống không lành mạnh. Cũng theo CI, tất cả mọi người tiêu dùng có quyền có thực phẩm không chỉ để ăn, mà thực phẩm phải lành mạnh. Một hiệp ước liên kết toàn cầu sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thực phẩm lành mạnh và dẫn đến một hệ thống thực phẩm bền vững, công bằng hơn.
Sự gia tăng các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống như béo phì, tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư là bằng chứng về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng quốc tế lớn. Số lượng những người thừa cân và béo phì tiếp tục tăng, cho đến nay, không một quốc gia đơn lẻ nào đã thành công trong việc đảo ngược sự gia tăng này. Các tác động của chế độ ăn không lành mạnh lên sức khỏe hiện nay vượt quá tác động do hút thuốc lá. Các tác động của bệnh béo phì lên GDP toàn cầu tương đương với chi phí của chiến tranh, bạo lực súng đạn và khủng bố. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến mọi người trong thế giới phát triển và đang phát triển. Người tiêu dùng và sự lựa chọn của người tiêu dùng là trung tâm để giải quyết vấn đề này.
Ở Việt Nam, an toàn thực phẩm vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, có vụ dẫn đến tử vong. An toàn thực phẩm trước hết phụ thuộc vào nguồn thực phẩm cung ứng trên thị trường. Bên cạnh những thực phẩm bảo đảm chất lượng, vẫn còn những thực phẩm không an toàn do tồn dư hóa chất, nhiễm vi khuẩn độc hại và các tác nhân khác, từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu. Mặt khác, quá trình từ “trang trại đến bàn ăn”, an toàn thực phẩm không chỉ phụ thuộc vào sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát mà còn phụ thuộc vào chính người sử dụng. Việc tiêu dùng không hợp lý sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn đối với sức khỏe, tình trạng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá là một ví dụ điển hình.