Năng lực xay xát và kho chứa lúa gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh thuộc loại vừa và nhỏ, chế biến lúa gạo chưa bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu |
Mở hướng cho chế biến lúa gạo
Nằm trong chuỗi các hoạt động Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hậu Giang, hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ trung ương, địa phương cùng nhìn nhận, đánh giá chung về tình hình sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Từ đây, các bên cùng nhau thảo luận và nhận định đúng vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển lúa gạo chất lượng cao, đồng thời đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm bổ sung, phát huy tốt hơn cho việc nghiên cứu và phát triển cây lúa chất lượng cao trong thời gian tới đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Ngoài ra, hội thảo cũng nhằm để các bên đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, từng bước hướng đến sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Cảnh Tuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 80.000ha đất trồng lúa, sản lượng lúa đạt 1,2 triệu tấn/năm, Hậu Giang rất kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia tiêu thụ và mang hạt gạo của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới thông qua các dự án kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo gắn kết vùng lúa nguyên liệu. Hậu Giang có 4 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo nhưng chưa doanh nghiệp nào đủ năng lực thu mua, nên tỉnh cần nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năng lực xay xát và kho chứa lúa gạo thuộc loại vừa và nhỏ, chế biến lúa gạo chưa bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, suốt những năm qua con đường đưa hạt gạo ra thế giới của Hậu Giang còn khá vất vả. Chưa kể các doanh nghiệp, cơ sở gặp không ít khó khăn trong quá trình thu mua, chế biến. Theo các ngành chuyên môn, công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản nhìn chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nguyên liệu của địa phương. Sản phẩm chủ yếu xuất ở dạng thô, hạt gạo làm ra giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp. Thu mua và chế biến lúa gạo tại địa phương mang tính nhỏ lẻ, bao gồm các nhà máy xay xát quy mô cao nhất khoảng 2.500-5.000 tấn/tháng, thậm chí là vài chục tấn/tháng. Các nhà máy chủ yếu thực hiện công đoạn bóc tách vỏ trấu, chà xát, làm trắng gạo và cung cấp cho thị trường nội địa.
Ông Ngô Minh Mẫn - chủ doanh nghiệp Liên Hưng cho biết, có không ít khó khăn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là nguyên liệu đầu vào. Giá lúa không ổn định cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Điển hình như doanh nghiệp tôi dự định thu mua 200 tấn lúa khi vào vụ thu hoạch, nhưng tới khi phát giá lại chỉ thu mua được 25 tấn. Ngoài ra, còn nhiều ảnh hưởng khác như tình trạng ruộng đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, vốn đầu tư máy móc còn hạn chế... Do đó, dù có ý định xin cấp phép xuất khẩu gạo thì năng lực nhà máy không đáp ứng được. Mặt khác, giá thành sản xuất còn quá cao nên chúng tôi chỉ bán nội địa thu lời chứ không đủ khả năng cạnh tranh hợp đồng với các doanh nghiệp khác.
Theo ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, trong hơn 200 cơ sở xay xát, hầu như các cơ sở này chỉ đáp ứng yêu cầu cung ứng gạo. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa tham gia liên kết, hợp tác với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, dẫn đến nghịch lý là nông dân trồng giống lúa chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường gạo cấp cao nhưng chất lượng gạo xuất khẩu lại thấp do doanh nghiệp thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.
Trao cơ hội cho doanh nghiệp
“Mong muốn thu hút các dự án chế biến lúa gạo gắn với vùng lúa nguyên liệu có quy mô, công suất lớn là một trong những mục tiêu trọng tâm mà tỉnh hướng đến nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho hạt gạo Hậu Giang. Địa phương dành rất nhiều chính sách ưu tiên để mời gọi doanh nghiệp có hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, dây chuyền sản xuất tiên tiến, cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn chế biến lúa gạo cho xuất khẩu”, ông Hoàng khẳng định.
Việc kêu gọi đầu tư vào dự án chế biến lúa gạo nhằm giúp cải thiện năng lực sản xuất, tăng khả năng chế biến sản phẩm lúa gạo có giá trị gia tăng cao, hạn chế sản xuất và xuất khẩu thô, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế. Cụ thể như đối với chế biến lúa gạo, địa phương cần khuyến khích và ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có thiết bị, công nghệ nâng cao tỷ lệ thu hồi gạo, hình thành các trung tâm chế biến lớn có công nghệ liên hoàn khép kín từ khâu sấy khô, bảo quản, chế biến đồng bộ để sản xuất ra gạo có chất lượng mang xuất khẩu.
Ông Trương Cảnh Tuyên, cho rằng, hội thảo đã đạt được thành công theo kế hoạch đề ra. Trong đó, đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận về các giải pháp theo chủ đề chính của hội thảo đưa ra từ các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp. Với những ý kiến đề xuất về giải pháp này, các địa phương trong vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang sẽ căn cứ vào tình hình thực tế mà có những định hướng đồng bộ và mang tính khả thi hơn để giúp nông dân trồng lúa lẫn doanh nghiệp mang lại hiệu quả tốt nhất trong sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo vươn ra thị trường thế giới.